Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con vì lợi ích gia đình và xã hội
Cập nhật ngày: 13/05/2019 10:59:39
ĐTO - Thông điệp mới của ngành dân số (DS) khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” để đảm bảo sự phát triển xã hội. Để hiểu rõ hơn về thông điệp này, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh.
PV: Được biết, thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 hoặc 2 con” trước đây đã được thay mới bằng thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”. Xin ông cho biết sự khác biệt của 2 thông điệp?
Ông Lê Văn Hùng: Thông điệp tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ trong những năm trước đây: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 hoặc 2 con”, nhằm kêu gọi các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện dịch vụ KHHGĐ hạn chế sinh đông con (giai đoạn 1979 - 2009), do mức sinh nước ta rất cao: tỷ suất sinh thô (CBR) > 26%0 (động thái trong 1.000 cư dân có 26 trường hợp sinh). Tuy nhiên, tác động của những thành tựu chương trình DS-KHHGĐ qua từng giai đoạn đã giảm nhanh mức sinh và đạt mức sinh thay thế vào năm 2011, với số con trung bình trên 1 người phụ nữ (TFR): 2,1 con. Rõ ràng, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm sinh của chính sách DS -KHHGĐ đặt ra. Hơn nữa, hiện nay phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, đại đa số được sinh ra từ năm 1985 trở lại đây. Đó là thế hệ mới, được giáo dục nói chung và giáo dục về DS-sức khỏe sinh sản/KHHGĐ nói riêng khá tốt. Sự tiến bộ nhanh về kinh tế - xã hội (KT-XH), sự hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh. Hệ thống dịch vụ KHHGĐ đã hiện đại và phát triển cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và đang được thị trường hóa. Như vậy, ngày nay, phụ nữ Việt Nam chỉ sinh số con chưa bằng 1/3 cách đây nửa thế kỷ. Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn (có những trường hợp cặp vợ chồng chỉ sinh có 1 con trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước). Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Kết quả này đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng và chủ yếu là tích cực đến sự phát triển KT-XH của nước ta.
Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới, trong đó nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp... Đối với những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, đã và đang triển khai thực hiện thông điệp tuyên truyền: “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” và tập trung chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển. Công tác DS phải được chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố KT-XH, quốc phòng, an ninh và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
PV: Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc triển khai thực hiện thông điệp tuyên truyền “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”?
Ông Lê Văn Hùng: Thông điệp tuyên truyền “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, không để tái gia tăng và cũng không để mức sinh giảm quá thấp, từng bước đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với quá trình già hóa DS, thực hiện phân bố dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng DS. Để hiểu rõ hơn chúng ta cần xem xét và phân tích các yếu tố sau:
Kết quả giảm sinh trong những năm qua đã tác động tích cực đến sự phát triển KT - XH của nước ta. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giảm mức sinh thấp lại là yếu tố tiêu cực trong tương lai. Vì sự suy giảm mức sinh là nhân tố cơ bản làm thay đổi tình trạng DS chung và qua đó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đất nước; mức sinh giảm, tuổi thọ được nâng cao là những nguyên nhân làm “cơ cấu DS theo tuổi” thay đổi mạnh. Nhu cầu và khả năng của con người phụ thuộc vào từng độ tuổi. Vì vậy, khi cơ cấu DS theo tuổi thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến sự phát triển KT - XH. Sự phát triển kinh tế của một đất nước phụ thuộc chặt chẽ vào tương quan số lượng và chất lượng của hai nhóm: “DS hoạt động kinh tế” và “DS không hoạt động kinh tế” hay còn gọi là “những người phụ thuộc” (trẻ em, người già,..). Mối quan hệ tương quan này được phản ảnh bằng “Tỷ số phụ thuộc”.
Khi “Tỷ số phụ thuộc” giảm đến 50 trở xuống, nghĩa là cứ 2 lao động, tương ứng có 1 người phụ thuộc thì người ta nói rằng, đây là “cơ cấu DS vàng”. Điều này cũng có nghĩa là: Khi có ít nhất 66% DS trong độ tuổi (15-64) độ tuổi hoạt động kinh tế, thì sẽ có “cơ cấu DS vàng”. Cơ cấu này rất hiếm gặp. Nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30-45 năm trong lịch sử phát triển của một quốc gia. Bởi vậy, nó quý và hiếm như “vàng” (năm 2005 “Tỷ số phụ thuộc” của Việt Nam chỉ còn 49,5%). Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 13 năm trong “cơ cấu DS vàng” và cơ hội này còn kéo dài khoảng 24-29 năm nữa. Ngược lại, khi một quốc gia suy giảm mức sinh đến một thời điểm sẽ thiếu hụt trữ lượng lao động trong tương lai sẽ là một mối nguy hại. Năm 2012, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa DS và sẽ trở thành nước có “DS già” vào khoảng năm 2035.
Mức sinh giảm còn làm tình trạng mất cân bằng giới tinh khi sinh ngày càng tăng. Vấn đề này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: khó khăn trong việc kết hôn, phá vỡ cấu trúc gia đình, tệ nạn xã hội, mua bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, gia tăng tội phạm xã hội... Ngoài ra, mức sinh giảm cũng ảnh hưởng đến tất cả cấu thành của “Chỉ số phát triển con người” (Human Development Index - HDI). Thật vậy, mức sinh giảm dẫn tới xuất hiện cơ cấu DS vàng, có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế, giảm áp lực DS lên hệ thống giáo dục và giảm mức chết trẻ em, tử vong mẹ. Các kết quả này dẫn đến làm tăng các chỉ số thành phần: kinh tế, giáo dục và tuổi thọ, cuối cùng là tăng HDI.
PV: Thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” có phù hợp với tình hình công tác DS Đồng Tháp hiện nay không?
Ông Lê văn Hùng: Thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” đã và đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, được tiếp nhận và đánh giá phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, địa phương, với mức sinh thấp (CBR) toàn tỉnh đạt dưới mức: 10,26%o. Số con trung bình trên một người phụ nữ (TFR): 1,84 con, qui mô gia đình ít con đã được chấp nhận duy trì nhiều năm (cá biệt có nhiều cặp vợ chồng chỉ có 1 con). Các chương trình, đề án về nâng cao chất lượng DS như: tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; tư vấn khám, kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn đã được quan tâm triển khai sớm, nên nhu cầu không ngừng về nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng DS Việt Nam là đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mặt khác, ngày nay, mỗi gia đình không chỉ “sinh đủ 2 con” mà còn phải phấn đấu sao cho “sinh đủ 2 con chất lượng cao” hay “sinh 2 con khỏe mạnh, có giáo dục và được đào tạo”.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương, với quan điểm đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác DS trong tình hình mới: tập trung chuyển đổi nội dung truyền thông giáo dục sang chính sách DS và phát triển; tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chủ động đưa thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” thông qua các kênh truyền thông đại chúng và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông trực tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi tiếp cận của cộng đồng và dân cư.
PV: Xin cảm ơn ông!
BÍCH LIỄU (thực hiện)