Một số lưu ý về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng
Cập nhật ngày: 01/09/2019 06:09:26
ĐTO - Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2010/NĐ-CP về tổ chức cai nghiện ma túy (MT) tại gia đình (GĐ), cai nghiện MT tại cộng đồng (CĐ). Trong quá trình thực hiện, có một số vấn đề mà các đơn vị, địa phương cần lưu ý để góp phần giúp việc tổ chức cai nghiện MT tại GĐ, CĐ đạt hiệu quả.
Người nghiện ma túy tìm đến Điểm tư vấn cai nghiện ma túy với mong muốn làm lại cuộc đời
Gần đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở Y tế và Công an tỉnh Đồng Tháp thống nhất hướng dẫn liên ngành một số nội dung về tổ chức cai nghiện MT tại GĐ, CĐ. Theo đó, để công tác cai nghiện MT ở GĐ, CĐ được triển khai thực hiện đúng quy định, UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tiến hành thành lập Tổ công tác cai nghiện MT (gọi tắt là tổ công tác), chậm nhất là ngày 30/8/2019. Về trình tự, thủ tục, thành phần và số lượng thành viên tổ công tác thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và Bộ Công an. Tổ trưởng tổ công tác xây dựng Quy chế làm việc phải đảm bảo các nội dung như: nguyên tắc làm việc của tổ công tác; nhiệm vụ của tổ trưởng và thành viên; chế độ hội họp, báo cáo... Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn về xác định tình trạng nghiện và điều trị cai nghiện MT cho lực lượng y tế cấp xã.
Theo ông Nguyễn Văn Tại - Phó phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), các địa phương cần lưu ý về kinh phí tổ chức cai nghiện MT tại GĐ, CĐ. Căn cứ kết quả khảo sát, thống kê số lượng người nghiện MT, người sau cai nghiện trên địa bàn và nhu cầu về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho việc tổ chức cai nghiện ở GĐ,CĐ, theo niên hạng tài chính hàng năm, UBND cấp xã lập dự toán bố trí kinh phí hoạt động, cần thiết đề nghị UBND cấp huyện hỗ trợ để tổ chức triển khai các hoạt động cai nghiện MT tại GĐ,CĐ đúng quy định. Tùy theo nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống MT được Trung ương phân bổ hàng năm, tỉnh sẽ hỗ trợ cho những xã, phường, thị trấn khó khăn, phức tạp về tệ nạn MT.
Nội dung quản lý, giám sát người cai nghiện MT ở GĐ, CĐ; đánh giá kết quả cai nghiện và cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại GĐ, CĐ được thực hiện theo Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã về tổ chức cai nghiện MT tại GĐ, CĐ có quy định cụ thể trong Nghị định số 94/2010/NĐ-CP. Chủ tịch UBND cấp xã có quyền quyết định sử dụng cơ sở vật chất hiện có tại địa phương để tổ chức điều trị cắt cơn nghiện MT tại CĐ. Hoạt động của cơ sở điều trị cắt cơn nghiện phải đảm bảo các nội dung: hoạt động chuyên môn về cắt cơn; bảo đảm trật tự, an toàn cho đối tượng điều trị cắt cơn tại cơ sở; hướng dẫn gia đình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ và động viên, khích lệ để họ an tâm điều trị...
Bên cạnh việc tổ chức điều trị cắt cơn nghiện MT, tỉnh Đồng Tháp cũng quan tâm đến công tác tư vấn cai nghiện MT tại CĐ. Tháng 7/2019, Điểm tư vấn cai nghiện MT tại CĐ đầu tiên của tỉnh chính thức thành lập và đi vào hoạt động ở số 100, đường Nguyễn Huệ, phường 2, TP.Cao Lãnh (chung với Cơ sở điều trị Methadone TP.Cao Lãnh). Anh N.V.C. (SN 1985) ngụ huyện Cao Lãnh cho biết: “Tôi bắt đầu chơi MT từ năm 1998. Quyết tâm từ bỏ, khoảng 3 năm nay, tôi thường xuyên đến Cơ sở điều trị Methadone để uống thuốc cai nghiện MT và được nghe tư vấn về vấn đề cai nghiện. Tôi sẽ cố gắng bỏ MT để làm lại cuộc đời”.
Nhiều văn bản của Trung ương và tỉnh Đồng Tháp đã quy định về chính sách, chế độ hỗ trợ tổ chức cai nghiện MT tại GĐ, CĐ. Người cai nghiện MT thành công có cơ hội được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm. Đặc biệt, đối với người chấp hành xong quyết định cai nghiện MT của Tòa án thật sự tiến bộ và gặp khó khăn về kinh tế, có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhằm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng sẽ được Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng cho vay vốn. Mỗi đối tượng được vay từ 10 triệu đồng đến không quá 50 triệu đồng.
Điểm tư vấn cai nghiện MT ở số 100, đường Nguyễn Huệ, phường 2, TP.Cao Lãnh sẽ tư vấn chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống MT; công tác điều trị, cai nghiện cho người sử dụng, người nghiện MT và vận động gia đình họ chọn hình thức cai nghiện phù hợp; giới thiệu kết nối cung cấp các dịch vụ đối với người có nhu cầu trong điều trị, cai nghiện MT. Điểm tư vấn hoạt động trong giờ hành chính liên tục từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, có nhân viên trực tiếp tư vấn miễn phí cho người có nhu cầu tại điểm tư vấn hoặc tư vấn qua số điện thoại: 18009221 (được miễn toàn bộ cước phí điện thoại).
|
NHỰT AN