Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Cập nhật ngày: 24/10/2020 18:15:28
ĐTO - Giai đoạn 2016 – 2020, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn. Qua đó giúp củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng PCCCR từ tỉnh đến cơ sở, góp phần kiểm soát nguy cơ và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp Ban quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) tuần tra đồng cỏ phòng, chống cháy rừng vào mùa khô
Hàng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và Bảo vệ, phòng, chống cháy rừng tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện và các chủ rừng trong tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR; xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR và tổ chức triển khai thực hiện. Từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ và vốn đối ứng của địa phương, tỉnh đã thực hiện mua sắm phương tiện, trang thiết bị PCCCR như: trang bị thêm 1 xe ô tô bán tải; 6 máy bơm chữa cháy; 8 xe mô tô; 292 cuộn vòi chữa cháy và các dụng cụ bảo hộ... Đồng thời tiến hành nạo vét các kênh mương, ao hồ với chiều dài hơn 9.000m và sửa chữa các công trình phục vụ công tác PCCCR. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai tổ chức 157 lớp huấn luyện nghiệp vụ về kỹ năng PCCCR cho hơn 8.000 lượt học viên là thành viên các tổ (đội) chuyên trách và bán chuyên trách của các chủ rừng, lực lượng Dân quân tự vệ, Công an các xã ven rừng.
Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức 3 cuộc diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười và Khu di tích Gò Tháp. Theo Ban Chỉ đạo tỉnh, việc diễn tập PCCCR đã góp phần nâng cao kỹ năng phối hợp và huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy cháy rừng. Bên cạnh đó, thông qua diễn tập giúp các đơn vị chủ rừng sử dụng thành thạo dụng cụ, máy móc, thiết bị và nâng cao kỹ năng phối hợp trong công tác chữa cháy, ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
Tăng cường hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác PCCCR, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ lập kế hoạch phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR trong cộng đồng dân cư, trường học tại các địa phương có rừng, ven rừng. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền 106 cuộc với 13.452 lượt người tham dự; in ấn, cấp phát 55.200 tờ rơi, 1.350 tài liệu tuyên truyền, 3.000 quyển tài liệu huấn luyện nghiệp vụ PCCCR; lắp đặt 795 bảng cấm lửa, 875 bảng cấm chăn thả gia súc, chặt phá cây rừng, bẫy bắt động vật rừng, 31 bảng cấp dự báo cháy rừng và 12 pa-nô tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR. Bên cạnh đó, các chủ rừng cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư sống ven rừng bằng hình thức tuyên truyền miệng, lồng ghép vào các buổi họp dân tại các khóm, ấp nơi có rừng, ven rừng.
Trong hoạt động quản lý rừng, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép. Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng trên Cổng thông tin điện tử Cục Kiểm lâm, kết hợp với khảo sát thực địa hiện trạng rừng để xây dựng cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh... Vào đầu mùa khô, các chủ rừng chủ động xây dựng kế hoạch trục tạo băng trắng phòng cháy; tổ chức vệ sinh thông thoáng kênh mương, phát dọn vật liệu cháy dưới tán rừng, khu vực tiếp giáp khu dân cư, các trục lộ giao thông ven rừng để làm giảm khối lượng vật liệu cháy nhằm hạn chế tối đa tình trạng cháy lan từ khu vực bên ngoài vào rừng.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh giảm về số vụ cháy và mức độ thiệt hại. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ cháy, tổng diện tích cháy 310,867ha, trong đó cháy rừng 39,704ha, cháy đồng cỏ 271,163ha. Các vụ cháy rừng chủ yếu cháy dưới tán do cháy lan từ đồng cỏ vào rừng. Chủ động phát hiện sớm nên công tác chữa cháy rừng được triển khai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ), thiệt hại về rừng không đáng kể. Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh còn gặp mốt số khó khăn như: tình trạng xâm nhập trái phép vào rừng để chăn thả gia súc, khai thác thủy sản, lấy mật ong vẫn còn xảy ra; lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng còn thiếu; diện tích rừng phân bố rải rác, không tập trung, tiếp giáp lộ giao thông, đất sản xuất nông nghiệp nên việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng manh mún, công trình PCCCR quy mô nhỏ...
Thời gian tới, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền những quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR tại các trường học, cộng đồng dân cư ven rừng. Huấn luyện kỹ năng PCCCR và đảm bảo tính sẵn sàng cao cho các lực lượng chuyên trách của các chủ rừng và lực lượng bán chuyên trách của các xã có rừng nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR. Đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của Ban Chỉ huy PCCCR các cấp, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị chủ rừng; chủ động tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCCR trong toàn tỉnh.
P.L