Nghề nguy hiểm?

Cập nhật ngày: 02/07/2018 10:00:34

ĐTO - Có ý kiến cho rằng dạy học và phòng trị bệnh cứu người đang là những nghề nguy hiểm.

Ngày 21/6/18, một cô giáo mầm non ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị phụ huynh xông vào trường đánh thủng màng nhĩ.

Trước đó, ngày 13/4, một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Xanh - Pôn (Hà Nội) bị thân nhân người bệnh đấm, nhổ nước bọt vào mặt ngay trong phòng cấp cứu.

Hai vụ việc trên chỉ là kéo dài danh sách vụ việc giáo viên, nhân viên y tế bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bị hành hung thời gian qua.

Dư luận xã hội bức xúc, bởi những hành vi đó dù với bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận được trong một xã hội có truyền thống đạo đức và Nhà nước pháp quyền như Việt Nam.


Ảnh minh họa. Ảnh: Thành Nguyễn

Nghề dạy học và phòng trị bệnh cứu người, mặc dù hình thức, nội dung, phương pháp khác nhau, nhưng đối tượng phục vụ đều là con người, vì con người.

Từ xưa đến nay, việc rèn luyện đạo đức và nâng cao tay nghề luôn là tâm niệm của những người làm nghề dạy học và phòng trị bệnh cứu người. Họ được mọi người gọi là “Thầy” với ý nghĩa tôn vinh những người đang làm nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí.

Cũng có thầy giáo, thầy thuốc thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có hành vi sai trái, nhưng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Những sai sót, vi phạm như vậy được xử lý nghiêm theo qui định.

Việc xúc phạm, hành hung có thể do bức xúc nhất thời từ sai phạm của thầy giáo, thầy thuốc. Nhưng không thể giải quyết sai phạm bằng sai phạm. Đó không phải là cách hành xử văn minh, tôn trọng đạo đức và pháp luật. Đó là sự xuống cấp về đạo đức, nghèo nàn trong văn hóa ứng xử của một số người.

Cũng cần thấy vai trò của dư luận thông qua mạng xã hội.

Khi có vụ việc xảy ra, trên mạng xã hội, bên cạnh đa số ý kiến phê phán, lên án những hành vi bất chấp đạo lý, coi thường pháp luật thì cũng có không ít người đồng tình những hành vi đó, với lập luận “không có lửa thì làm sao có khói”; không cần biết bản chất sự việc; lờ đi những việc như cô giáo thà chết không để trẻ chết khi nước lũ bất chợt tràn về, bác sĩ hiến máu cứu người ngay trong ca trực. Họ, thông qua mạng xã hội đã tạo áp lực lên những người đang hành nghề vốn đã chịu nhiều áp lực.

Ngoài việc mỗi thầy giáo, thầy thuốc không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp để xứng danh là “Thầy”, thiết nghĩ mọi người, nhất là thân nhân học sinh, người bệnh bình tĩnh, xem xét, giải quyết vấn đề thấu tình, đạt lý, theo quy định pháp luật; phê phán, lên án những người xúc phạm, hành hung thầy giáo, thầy thuốc.

Nhà nước có biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ thầy giáo, thầy thuốc, như áp dụng tội chống người thi hành công vụ đối với những người có hành vi xúc phạm, hành hung thầy giáo, thầy thuốc, bởi họ đang thực thi nhiệm vụ Nhà nước và nhân dân giao phó.

Để thầy giáo, thầy thuốc yên tâm hành nghề.

Để không có ý kiến cho rằng dạy học, phòng trị bệnh là những nghề nguy hiểm.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn