Ngừa bệnh cho trẻ em mùa nắng nóng

Cập nhật ngày: 29/04/2017 05:56:26

ĐTO - Thời tiết nắng nóng kéo dài trong những ngày qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ em (TE). Nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm thấp là điều kiện để các vi-rút gây bệnh phát triển và gây bệnh. Do vậy, chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho con em mùa nắng nóng là việc làm cần thiết với các phụ huynh.


Trẻ em điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Theo Khoa Hồi sức nhi – sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (BVĐKĐT), nhìn chung tình hình dịch bệnh ở TE từ đầu năm 2017 đến nay nhiều bệnh không gia tăng về số trẻ khám và nhập viện so với cùng kỳ năm trước. Các bệnh thường gặp là tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm não, viêm màng não và rôm sảy... Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình dịch bệnh ở TE được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới. Các bệnh có nguy cơ sẽ tăng cao nhất là bệnh tay chân miệng, tiêu chảy và ngộ độc thức ăn.

Thời tiết nắng nóng tạo thuận lợi cho các mầm bệnh vi khuẩn, siêu vi... bùng phát. Nhiều TE dễ mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu và ý thức phòng bệnh chưa cao. Trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy do nắng nóng thức ăn dễ bị thiu, môi trường ô nhiễm làm lây mầm bệnh tiêu chảy, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh. Nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở TE, nhất là môi trường học đường. Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho TE dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn.

Nhiều trường hợp TE bị nhiễm bệnh nhưng do gia đình thiếu kiến thức về dấu hiệu bệnh lý hoặc chọn giải pháp điều trị tại nhà hay các cơ sở y tế tư nhân nên khi đưa TE đến bệnh viện thì tình trạng bệnh đã nặng hơn nhiều. Con của anh Tô Gia Kiệt ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, có triệu chứng ho, khò khè nên gia đình đưa bé đến bác sĩ tư nhân để điều trị. Khoảng 3-4 ngày sau, thấy bệnh của cháu trở nặng thêm, gia đình mới đưa cháu đến BVĐKĐT điều trị. “Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán con tôi bị viêm phổi nặng phải nhập viện. Hiện sức khỏe của cháu đã ổn định nhưng tôi vẫn còn lo. Sau này, gia đình sẽ ý thức hơn trong việc theo dõi sức khỏe của bé. Nếu trẻ bệnh phải đến bệnh viện để chữa bệnh kịp thời” - anh Kiệt chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, người nhà, đặc biệt là cha, mẹ TE cần quan tâm, theo dõi sức khỏe của con em để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị đúng lúc. Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hồng Phúc – Trưởng Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh, BVĐKĐT cho biết: “Các bệnh đường tiêu hóa thường được nhận biết khi trẻ có nôn, tiêu chảy. Bệnh tay chân miệng cần chú ý nhận ra khi trẻ có mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, miệng, đặc biệt vết loét miệng. Khi TE mắc tay chân miệng sẽ làm TE chảy nước miếng, bỏ ăn, bỏ uống do đau. Bệnh nặng hơn khi trẻ sốt cao khó hạ, giật mình, chới với đầu giấc ngủ, nôn nhiều, run tay, chân. Khi có các dấu hiệu trên, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời và hiệu quả, tránh tự sử dụng thuốc tại nhà...”.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Hồng Phúc, để đảm bảo sức khỏe cho TE mùa nắng nóng, vấn đề quan trọng đối với các bậc phụ huynh là chủ động phòng ngừa hơn trị bệnh. Do vậy, người chăm sóc TE cần tuân thủ các biện pháp ngừa bệnh cho trẻ như: rửa tay sạch sẽ, đúng cách cho TE trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của trẻ; chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh nhằm loại trừ các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại trẻ; giữ môi trường sống của trẻ thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm các bệnh lây nguy hiểm; cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể trẻ, đặc biệt là những loại nước uống có nhiều khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội... giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống lại bệnh tật trong mùa nắng nóng...

Phước Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn