Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Nhiều giải pháp tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình

Cập nhật ngày: 05/12/2020 05:37:50

ĐTO - Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc giúp phụ nữ (PN) phát triển, xây dựng gia đình (GĐ) hạnh phúc, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở Hội tích cực phối hợp các ngành liên quan tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), cung cấp các kiến thức về phòng, chống BLGĐ cho PN trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao nhận thức cho PN về phòng, chống, hạn chế BLGĐ.


Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ Hội cấp cơ sở

Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Tư pháp thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở cho cán bộ Hội cơ sở giai đoạn 2019 - 2021. Đến nay, đã tổ chức 11 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật về Luật Hôn nhân và GĐ, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống BLGĐ cho hơn 600 cán bộ Hội cấp huyện, cấp xã. Truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ và Luật Hôn nhân và GĐ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 2.008 PN, người dân trong tỉnh. Đồng thời, năm 2020, hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn về BLGĐ và bạo lực giới; nâng cao kỹ năng lồng ghép giới; kiến thức về bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội cơ sở. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề: xây dựng GĐ hạnh phúc, phát huy vai trò PN trong xây dựng GĐ hạnh phúc,... nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng GĐ hạnh phúc cho PN, chủ động phòng, chống BLGĐ. Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch duy trì mô hình Cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ cấp tỉnh, tại Hội LHPN tỉnh (Phường 1, TP.Cao Lãnh) và 2 Cơ sở cấp huyện đặt ở TP.Hồng Ngự, huyện Lấp Vò giúp tư vấn kiến thức pháp luật về hôn nhân và GĐ, phòng, chống BLGĐ cho PN trong tỉnh.

Phòng, chống BLGĐ, các cơ sở Hội tuyên truyền cho các PN ý thức phòng, chống BLGĐ, hướng dẫn PN cách xây dựng GĐ hạnh phúc, kỹ năng ứng xử trong GĐ, vấn đề bình đẳng giới giữa nam và nữ, phòng, chống BLGĐ. Các cơ sở Hội còn lồng ghép với công tác hỗ trợ nâng cao đời sống cho PN vùng nông thôn thông qua các hoạt động như: dạy nghề nông thôn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn sản xuất, chăn nuôi để PN có điều kiện phát triển kinh tế GĐ, xây dựng GĐ hạnh phúc bền vững. Ngoài ra, các cơ sở Hội còn xây dựng 251 tủ sách pháp luật với các loại sách, tài liệu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và GĐ, Luật Phòng, chống BLGĐ,... đặt tại các xã, phường, thị trấn nhằm cung cấp kiến thức cho PN. Duy trì mô hình địa chỉ tin cậy, Câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ ở địa phương. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng được 214 địa chỉ tin cậy và phối hợp ngành văn hóa xây dựng 158 địa chỉ tin cậy, với tổng số hơn 1.400 thành viên tham gia; hơn 165 Câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, 162 Tổ dư luận xã hội. Các mô hình phát huy hiệu quả, giúp phát hiện kịp thời các trường hợp bị BLGĐ, để từ đó các cơ sở Hội phối hợp chính quyền địa phương can thiệp, che chở cho nạn nhân bị BLGĐ, tư vấn, hòa giải để nạn nhân sớm ổn định tâm lý, sống tốt hơn, góp phần hạn chế những vụ BLGĐ lớn.

Theo Hội LHPN tỉnh, với nhiều giải pháp phối hợp trong công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phòng, chống BLGĐ trong năm 2020 các cấp Hội đã giải quyết, giúp đỡ cho 4 trường hợp bị BLGĐ và giúp hòa giải thành công nhiều cặp vợ chồng xóa bỏ mâu thuẫn nhỏ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức cho PN, người dân về phòng, chống BLGĐ, chuyển đổi hành vi, ứng xử của người dân tốt hơn. Đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ trong thời gian tới, các cấp Hội tập trung đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ; duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ xây dựng GĐ hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ trong PN; nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông về phòng, chống BLGĐ, hòa giải hôn nhân GĐ, BLGĐ cho các cán bộ Hội cấp cơ sở, cán bộ và hội viên làm công tác hòa giải;... để phòng, chống BLGĐ có hiệu quả.

M.X

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn