Nhiều hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo

Cập nhật ngày: 07/01/2019 15:03:19

ĐTO - Năm 2018, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự có 10 hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo với suy nghĩ không nên ỉ vào sự hỗ trợ của Nhà nướcTinh thần này đang lan tỏa, làm cơ sở để huyện về đích mục tiêu giảm nghèo bền vững.


Cô Trần Thị Muội cần cù lao động để vươn lên

Các hộ tự nguyện thoát nghèo đều có chung suy nghĩ muốn thoát nghèo thì phải tự lực cánh sinh, phải tự vươn lên mới thật sự bền vững và mong muốn nhường sự hỗ trợ lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tự nguyện xin thoát nghèo cho thấy ý thức của người dân xã Thường Thới Tiền đã và đang dần được nâng lên.

Cô Trần Thị Muội ngụ ấp Trung 1 là 1 trong 10 hộ tự nguyện xin thoát nghèo của xã Thường Thới Tiền trong năm 2018. Trước đây, gia đình cô Muội nằm trong tốp những hộ nghèo nhất của xã. Chồng mất sớm, không ruộng đất, nghề nghiệp, cô làm thuê nuôi các con và ba mẹ đau yếu. Nhờ Hội Chữ thập đỏ xã vận động hỗ trợ cất cho gia đình cô căn nhà, hàng tháng hỗ trợ tiền điện và thường xuyên vận động tặng gạo, quà, nhu yếu phẩm cho gia đình nên cô cũng bớt phần nào khó khăn. Mấy năm nay, các con của cô đã lớn, ai cũng có việc làm và thu nhập ổn định, cô Muội ở nhà chăm sóc cháu và nuôi gà, đồng thời tranh thủ thời gian các cháu đi học để đi làm thuê lặt vặt trong xóm (gói bánh, làm cá,...). Cô và các con cật lực lao động, tiết kiệm chi tiêu nên kinh tế gia đình dần cải thiện. Cuối năm 2018, gia đình cô Muội  tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Cô Muội phấn khởi chia sẻ: “Bây giờ kinh tế gia đình khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh. Trong năm nay, các con tôi dự định sẽ cất lại nhà nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những bà con nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ. Tự nguyện xin thoát nghèo để mình phấn đấu, không nên dựa hoài vào sổ hộ nghèo và trợ cấp hàng tháng”.

Hộ cụ Nguyễn Thị Trang cùng ngụ ấp Trung 1 cũng tự nguyện đăng ký xin thoát nghèo. Cụ Trang năm nay đã ngoài 70 tuổi, các con cụ đều lập gia đình và ra ở riêng. Vài năm trước, địa phương có cấp cho cụ sổ nghèo để có những chính sách hỗ trợ cho cụ vì cụ ở một mình lại không có ruộng vườn. Thế nhưng, vừa qua, cụ đã xin trả lại sổ nghèo.

Cụ Trang nói: “Tôi già rồi, ăn uống có bao nhiêu. Các con tôi tuy không khá giả nhưng đứa nào cũng chí thú làm ăn, tháng nào cũng cho tiền tôi xài, với lại tôi còn có tiền người cao tuổi, có bảo hiểm. Tuy ở một mình nhưng cũng không đến nỗi, nên tôi xin trả lại sổ nghèo để chính quyền hỗ trợ cho những hoàn cảnh khác khó khăn hơn”.

Ông Huỳnh Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền cho biết: “Những năm gần đây, hàng năm, xã có trên 100 hộ dân thoát nghèo, trong đó có khoảng 10% số hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Những hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo của xã nói chung rất chăm chỉ làm ăn. Nhiều chủ hộ là phụ nữ cũng tích cực làm ăn và tự xin ra khỏi diện hộ nghèo. Chúng tôi đánh giá rất cao ý thức tự giác của họ. Đây là tín hiệu khả quan trong công tác giảm nghèo của xã. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức tự vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước trong nhân dân”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn