Nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo cho người có công với cách mạng
Cập nhật ngày: 21/07/2017 10:48:00
ĐTO - Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cố gắng trong tổ chức triển khai thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Đồng Tháp về vấn đề trên.
Phóng viên (PV): Tình hình thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã đạt được những kết quả nào nổi bật, thưa ông?
Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp
Ông Bùi Thành Nhơn: Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã công nhận được trên 55 ngàn người hưởng chế độ, chính sách.
Trong số những đối tượng chính sách này, hiện còn sống hơn 20 ngàn người và đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên 12.500 đối tượng.
Tổng kinh phí hàng năm thực hiện chi trả trợ cấp đối với người có công và thân nhân của họ là trên 300 tỷ đồng.
Ngoài các đối tượng được công nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công, tỉnh đã lập thủ tục công nhận và giải quyết các chế độ trợ cấp ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ như: giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho trên 13 ngàn người hoạt động kháng chiến qua đời trước ngày 1/1/1995 và giải quyết chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến theo Nghị định 23, Quyết định 290 và 188 (bao gồm cả hệ Quân sự và Công an) cho trên 23 ngàn đối tượng, tổng số tiền hơn 113 tỷ đồng.
Ngành LĐ,TB&XH còn quan tâm thực hiện giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng và một lần đối với các đối tượng theo Quyết định số 142, 53 và 62 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh không ngừng quan tâm chăm sóc về đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ như: hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế; được xét miễn, giảm tiền sử dụng đất nếu có hoàn cảnh khó khăn về đất ở theo quy định; hàng năm tổ chức đưa hơn 4 ngàn người có công đi điều dưỡng tập trung ngoài tỉnh và điều dưỡng tại gia đình...
Ngoài ra, những đối tượng chính sách khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được các ngành, các cấp thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ đời sống, trợ cấp khó khăn đột xuất.
PV: Nhằm góp phần bù đắp những mất mát, hy sinh của người có công với cách mạng, ngành LĐ,TB&XH đã thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như thế nào?
Ông Bùi Thành Nhơn: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã phát huy được sức mạnh của toàn xã hội với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng chăm sóc người có công”.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đạt được những kết quả quan trọng như: vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt gần 144 tỷ đồng; xây dựng 11.692 căn nhà tình nghĩa với tổng số trên 247 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 3.871 căn nhà tình nghĩa với số tiền gần 36 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống 4.967 suất, trị giá trên 21,4 tỷ đồng...
Tất cả Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các đơn vị và cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bàn giao nhà tình nghĩa tại huyện Lấp Vò. Ảnh: CTV
Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ và Tết Nguyên đán, ngoài các đối tượng được tặng quà theo quy định của Trung ương, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã trích ngân sách và vận động các tổ chức, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách còn lại, tổng số tiền bình quân hơn 5 tỷ đồng/năm...
Từ những việc làm cụ thể, thiết thực trên đã giúp cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng có cuộc sống ổn định, nỗ lực vươn lên làm giàu từ chính đôi tay và nghị lực của mình.
Cùng với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào các Nghĩa trang liệt sĩ hoặc về gia đình cải táng được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện khá chu đáo.
Đến nay đã tổ chức cất bốc, quy tập hơn 13.700 hài cốt liệt sĩ vào các Nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Ngành LĐ,TB&XH lập thủ tục cho di chuyển 240 hài cốt liệt sĩ về quê cải táng theo nguyện vọng của gia đình.
Hiện toàn tỉnh có 12 Nghĩa trang liệt sĩ, 2 Đền thờ ghi tên liệt sĩ cấp huyện và 40 Nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn được xây dựng, sửa chữa khang trang.
PV: Xin ông cho biết thêm, thực tế việc giải quyết hồ sơ hưởng chế độ của người có công tồn đọng ở tỉnh ta ra sao? Chúng ta đang gặp những khó khăn gì trong giải quyết vấn đề này?
Ông Bùi Thành Nhơn: Qua rà soát hồ sơ tồn đọng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ LĐ,TB&XH, kết quả toàn tỉnh hiện còn tồn đọng 12 hồ sơ liệt sĩ (hồ sơ đang lưu giữ tại huyện, xã và gia đình).
Ngay sau khi tổng hợp được số liệu hồ sơ người có công tồn đọng từ các huyện, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND.TL ngày 05/6/2017 thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công cấp tỉnh, Tổ xác minh xác nhận người có công và Kế hoạch số 182/KH-BCĐ-UBND về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Sở LĐ,TB&XH đang phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tiến hành xác minh, hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để kết luận từng trường hợp cụ thể. Hồ sơ đủ điều kiện theo quy định sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong năm 2017.
Những khó khăn chủ yếu trong giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng là thân nhân người có công không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc chứng minh có tham gia cách mạng và hy sinh, nên trong quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn; hồ sơ không đúng theo quy định hiện hành nên chưa giải quyết được.
PV: Xin cám ơn ông!
NHỰT AN (Thực hiện)