Sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp
Cập nhật ngày: 24/07/2019 10:31:38
Tình hình sạt lở bờ sông (SLBS) đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở Đồng Tháp gây thiệt hại lớn cho người dân. Ngoài SLBS Tiền, còn tình trạng sạt lở ở nhiều tuyến sông, rạch nội đồng.
Sạt lở bờ sông tại xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành gây thiệt hại hoàn toàn 5 căn nhà của người dân địa phương
Theo đánh giá của ngành chuyên môn tỉnh Đồng Tháp, tình trạng SLBS của tỉnh xảy ra ngày càng nhiều và nguy hiểm. Số lượng điểm sạt lở ngày càng tăng và vành đai sạt lở ngày càng mở rộng, trung bình mỗi năm Đồng Tháp bị “bà thủy” nuốt chửng từ 30-50ha đất đai các loại. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng SLBS làm chết 1 người và gây thiệt hại kinh tế cho tỉnh gần 50 tỷ đồng. Chỉ tính dọc theo sông Tiền, sông Hậu chảy qua địa bàn tỉnh có 21 xã, phường bị SLBS với 85 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 29km. Điển hình như vào ngày 15/7, tại bờ sông Nha Mân (đoạn cầu Lò Heo đến đình Tân Nhuận Đông) thuộc địa phận xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành xảy ra một vụ sạt lở, sụp lún bờ sông nghiêm trọng, gây thiệt hại hoàn toàn 5 căn nhà của người dân, rất may không thiệt hại về người.
Không chỉ xảy ra ở sông Tiền, sông Hậu mà tình trạng SLBS trên địa bàn tỉnh còn xảy ra ở nhiều tuyến sông, kênh nội đồng. Tỉnh có 34 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã bị SLBS khu vực nội đồng với diễn biến ngày càng phức tạp. Từ năm 2018 đến nay đã có hơn 18km kênh nội đồng bị sạt lở (tăng hơn 15km so với năm 2017), gây thiệt hại cho tỉnh hơn 7,3 tỷ đồng. Ngoài ra, việc sạt lở ở các tuyến sông, kênh nội đồng còn làm nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, khiến việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân gặp khó khăn.
Vụ sạt lở bờ kênh tại ấp Bình Chánh, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình gây khó khăn cho người tham gia giao thông
Điển hình là tình trạng SLBS diễn ra phức tạp ở hai tuyến đường đan chạy dọc theo kênh Cả Dầu, thuộc ấp Bình Chánh, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đã khiến cho hàng trăm mét đường nông thôn bị sụt lún hoặc rơi xuống sông. Gần đây nhất là vụ sạt lở vào ngày 16/6 khiến cho 20m đường đan ở kênh Cả Dầu rơi xuống sông, người dân phải bắc cầu tạm đi lại. Anh Cao Minh Tuấn (37 tuổi), nhà ngay ở đoạn sạt lở nói: “Con đường này rộng 2,5m, lúc trước xe ô tô 7 chỗ qua lại thoải mái, giờ sạt lở nhiều quá nên xe lớn không vô được”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân gây SLBS chủ yếu là do tác động dòng chảy, do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như: khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá và nuôi thủy sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ,... Cùng với việc chủ động vận động, hỗ trợ di dời người dân sống trong vành đai sạt lở đến nơi ở mới an toàn, UBND tỉnh Đồng Tháp đã triển khai đầu tư xây dựng các bờ kè chống SLBS.
Cuối tháng 5/2019, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ kinh phí 250 tỷ đồng xây dựng bờ kè khắc phục xói lở bờ sông, bảo vệ dân cư khu vực thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành. Trước đó, vào ngày 24/5, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ra quyết định đầu tư hơn 83 tỷ đồng để triển khai thi công bờ kè bảo vệ dân cư xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn triển khai thi công các bờ kè bảo vệ người dân vùng sạt lở ở xã Bình Thành (huyện Thanh Bình), kè chống sạt lở Vàm Hổ Cứ (TP.Cao Lãnh),...
Tỉnh Đồng Tháp nhận định thời gian tới, tình hình SLBS sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nên đề nghị các ngành và các địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó với SLBS và nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống SLBS.
T.Đ - T.G