Huyện Hồng Ngự
Sạt lở diễn biến phức tạp
Cập nhật ngày: 11/09/2017 10:19:08
ĐTO - Hiện mực nước dâng cao kết hợp với dòng chảy xiết nên tình hình sạt lở bờ sông tại một số địa bàn của huyện Hồng Ngự diễn biến phức tạp.
Hiện trường vụ sạt lở tại ấp Long Thới B. Ảnh: Văn Bửu
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Long Thuận, nếu các năm trước, đa số các vụ sạt lở chỉ là lở dạo thì từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở trên địa bàn xã diễn biến phức tạp và có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Tính đến nay, toàn xã đã xảy ra 10 vụ sạt lở, làm mất hơn 9.400m² đất, buộc phải di dời 27 hộ dân, 1 tiệm Net, 1 ao cá và 2 trụ điện. Đặc biệt, tại vách sông Cái Vừng (ấp Long Thới B) sạt lở đã lấn sâu vào đường nhựa của xã gây khó khăn và nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Vào lúc 3 giờ ngày 5/9 tại ấp Long Thạnh đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 100m, ăn sâu vào đất liền 30m làm mất hơn 3.000m² đất và mất đoạn đường vành đai bảo vệ sản xuất, ước tính thiệt hại 450 triệu đồng.
Mới nhất là sáng ngày 7/9/2017 tại ấp Long Thới B xảy ra lở dạo với tổng chiều dài 8m ăn sâu vào đất liền khoảng 1,5m làm 1 hộ dân phải di dời. Trước đó, chính quyền địa phương đã chủ động di dời các hộ dân trong khu vực nên không thiệt hại nhiều về tài sản và tính mạng, tuy nhiên vụ sạt lở lần này đã “nuốt trọn” tuyến đường nhựa giao thông chính của xã, người dân rất khó khăn trong đi lại. Hiện đoạn sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt lớn có nguy cơ tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào. Trước tình hình trên, UBND xã Long Thuận đã lập hàng rào quanh khu vực sạt lở, cắm biển báo, đồng thời thông báo rộng rãi trên trạm truyền thanh của xã cấm các phương tiện có tải trọng lớn lưu thông qua đoạn đường này.
Đa số các vụ sạt lở không ảnh hưởng nghiêm trọng về tài sản và tính mạng nhưng buộc người dân phải di dời khẩn cấp. Chị Huỳnh Ngọc Tuyết (SN 1976) ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận cho biết: “Lúc chưa bị sạt lở, tôi làm nghề uốn tóc, chồng tôi đi làm thuê nên cuộc sống cũng khá ổn định. Từ ngày buộc phải di dời, nhà phải tháo dỡ rồi cất lại nên tốn kém. Dù được bố trí chỗ ở tạm tại nền đất trống ở tuyến dân cư của xã gần 2 tuần nay nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa thể yên tâm, ảnh hưởng đến công việc...”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh cho hay: “Hiện tại, xã Long Thuận có 27 hộ nằm trong vành đai sạt lở cần được di dời khẩn cấp. Trong đó, xã đã bố trí 4 hộ đến nơi ở tạm chờ tìm được chỗ ở ổn định. Do địa phương không còn nền tái định cư nên đã đề xuất UBND huyện xem xét bố trí các hộ này sang tuyến dân cư xã Phú Thuận A. Huyện cũng đã hứa xem xét tình hình thực tế sau đó sẽ sớm tiến hành di dời các hộ trên đến nơi ở an toàn”.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, từ đầu năm 2017 đến ngày 5/9, toàn huyện xảy ra 12 vụ sạt lở (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2016), với tổng diện tích mất đất gần 10.500m², ước thiệt hại trên 2,1 tỷ đồng. Trong đó, có 5 vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở trên địa bàn các xã: Long Thuận, Phú Thuận A và Thường Phước 1.
Qua kết quả kiểm tra thực tế, hiện nay toàn huyện có 2.211 hộ nằm trong vành đai sạt lở. Cụ thể, tại xã Thường Phước 1 có 840 hộ; xã Long Khánh A 52 hộ; Long Thuận 540 hộ; Phú Thuận A 243 hộ và Phú Thuận B 536 hộ. Trong số đó, có gần 500 hộ bị ảnh hưởng sạt lở và cần di dời đến nơi ở mới. Tính đến nay chỉ mới di dời được 83 hộ đến nơi ở ổn định. Nguyên nhân chưa thể bố trí hết các hộ nằm trong vành đai sạt lở là do huyện thiếu nền ở các cụm, tuyến dân cư. Ngoài ra, một số hộ được vận động di dời nhưng chủ quan chưa chịu di dời. Nhiều hộ không chịu vào cụm, tuyến dân cư vì sợ ảnh hưởng đến việc lao động sản xuất, không có việc làm ổn định cuộc sống...
Ông Phạm Thành Nhi - Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: “Sau khi xảy ra sạt lở, chúng tôi đã chỉ đạo văn phòng thường trực và các ngành liên quan phối hợp UBND các xã trực tiếp xuống địa phương khảo sát tình hình; tổ chức di dời các hộ trong vành đai sạt lở đến nơi ở an toàn. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tính mạng, tài sản cá nhân và chủ động di dời trước khi xảy ra sạt lở”.
Lê Thanh – Văn Bửu