Tấm lòng thiện nguyện của lão nông hơn 80 tuổi
Cập nhật ngày: 04/01/2018 07:08:21
ĐTO - Dù hơn 80 tuổi nhưng ông Đoàn Văn Tấn (thường gọi là Ba Tấn) ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc vẫn thường xuyên đóng góp sức người, sức của và vận động nhiều người tham gia cất nhà tình thương, bắc cầu nông thôn... Ông làm với tất cả cái tâm, tấm lòng của mình. Đối với ông, đó là niềm vui ở tuổi xế chiều.
Ông Đoàn Văn Tấn bên cây cầu do ông góp công và 120 triệu đồng để xây dựng
Người “khai sinh” nhiều bếp ăn từ thiện
Xuất thân từ gia đình nông dân, ông Ba tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Khi kinh tế tạm ổn định, ông muốn giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn nên tình nguyện tham gia công tác từ thiện xã hội. Ông Ba Tấn kể: “Năm 1992, tôi cùng với một số anh em thành lập Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và giữ vai trò Phó Ban điều hành bếp ăn. Chúng tôi vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí hoạt động để cung cấp miễn phí nước sôi, cơm, cháo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, chia sẻ khó khăn cùng bà con lúc điều trị bệnh. Đến nay, bếp ăn vẫn được các anh em duy trì và ngày càng phát triển”.
Không chỉ góp phần điều hành để Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc hoạt động hiệu quả, ông Ba Tấn còn là một trong những người góp sức thành lập nhiều bếp ăn từ thiện ở một số bệnh viện của các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh... Đa số ở các bếp ăn từ thiện này, ông đều được tín nhiệm bầu làm Phó Ban điều hành, phụ trách việc hướng dẫn cách vận hành bếp ăn, chế biến thức ăn... Dường như, ông Ba đang chạy đua với thời gian ngắn ngủi còn lại của đời người. Ông cố gắng làm thật nhiều điều hữu ích cho xã hội. Trong khi tham gia làm bếp ăn từ thiện, ông còn vận động kinh phí cất nhà tình thương cho hộ nghèo.
Do sức khỏe không cho phép, sau 16 năm gắn bó với Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và một số bệnh viện khác ngoài tỉnh, ông Ba Tấn chuyển giao nhiệm vụ lại cho “đồng nghiệp”. Cứ nghĩ ông sẽ ở nhà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng ông vẫn tiếp tục cố gắng xuôi ngược nhiều nơi, giúp những người nghèo khó có được căn nhà che mưa che nắng. Ông Ba Tấn thông tin: “Trung bình mỗi năm, tôi góp phần vận động xây dựng từ 7-15 căn nhà tình thương. Đặc biệt, năm 2000, vận động cất liên tiếp 100 căn. Từ những ngôi nhà tình thương lợp mái lá, cột gỗ ban đầu, đến nay, cất kiên cố hơn với cột xi măng, vách và mái làm bằng tôn, nền lót gạch, trị giá khoảng 18 triệu đồng/căn”.
Ông Ba Tấn góp sức xây dựng nhiều cây cầu nông thôn
Bà Nguyễn Thị Điệp (SN 1949) ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông có hoàn cảnh rất khó khăn vì bị bệnh lại không có đất sản xuất. Căn nhà cũ xiêu vẹo mà chưa có tiền sửa chữa. Bà Điệp cho biết: “Được anh Ba Tấn hỗ trợ cất cho tôi ngôi nhà mới, tôi rất biết ơn và mừng lắm. Không còn chịu cảnh mưa dột, ngập nước như trước kia”. Theo ông Ba, muốn làm công tác vận động hiệu quả thì mình phải tiên phong, gương mẫu thực hiện trước. Với vai trò là Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Phú Đông nên ông cũng thuận lợi khi vận động người dân, nhất là bà con theo đạo đóng đóp làm từ thiện.
Nối những bờ vui
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Ba vẫn còn khỏe mạnh, rắn rỏi. Mấy năm nay, ông Ba còn “lấn sân” sang lĩnh vực xây dựng cầu, đường nông thôn. Bằng uy tín và sự gương mẫu của mình, ông Ba vận động được nhiều người cùng đi bắc cầu, trong đó có khoảng 15 lao động tham gia thường xuyên. Nói về ông Ba Tấn, bà Tống Thanh Mai - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường TP.Sa Đéc cho hay: “Anh Ba thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò Đội phó Đội thi công từ thiện, thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường TP.Sa Đéc. Anh Ba rất nhiệt tình, thường xuyên có mặt chỉ đạo Đội thi công để công trình đảm bảo chất lượng, vừa ủng hộ tiền làm cầu”.
Khi Nhà nước có chủ trương thu hồi một phần đất của ông Ba để xây dựng nghĩa trang nhân dân, ông vui vẻ đồng thuận và được bồi thường 500 triệu đồng. Dù kinh tế không giàu có nhưng ông Ba mạnh dạn trích một phần số tiền này để làm cầu nông thôn. Ông nói: “Tiền bạc bao nhiêu xài cũng hết, làm việc thì có lại thôi, tình nghĩa mới quan trọng. Dù hy sinh chút quyền lợi cá nhân mà có được cây cầu, giúp người dân lưu thông thuận tiện thì cũng xứng đáng”. Ông ủng hộ 30 triệu đồng xây dựng cầu Thiện Tâm 31 (ấp Phú Thành) và cầu Giữa rạch Xẻo Gừa (ấp Phú Long), 120 triệu đồng làm cầu 19/5 (ấp Phú An). “Chú Ba lớn tuổi mà vẫn góp công, góp tiền xây cây cầu 19/5 cho người dân đi lại dễ dàng. Thật sự tôi và nhiều bà con rất biết ơn chú Ba. Mong chú có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp ích cho xã hội” - Bà Đào Ngọc Mai ở ấp Phú An nói.
Ông Ba Tấn (bên phải) chuẩn bị lúa giống sản xuất vụ mùa mới để có thêm tiền làm từ thiện
Chỉ trong 2 năm nay, ông Ba Tấn tham gia vận động người dân và các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng được 17 cây cầu bê tông ở trong và ngoài xã Tân Phú Đông, trị giá hàng tỷ đồng và nâng cấp, sửa chữa nhiều kilomet đường giao thông nông thôn. Gần đây, Đội thi công cầu từ thiện của ông Ba tiếp tục khởi công xây dựng một cây cầu khác tại xã Tân Khánh Đông, dự toán kinh phí hơn 200 triệu đồng. Ông Ba Tấn tâm sự: “Tôi đi làm cầu với anh em riết quen rồi, hôm nào không đi là buồn lắm. Mình làm việc nặng không nổi thì làm việc nhẹ. Mang lại điều tốt đẹp cho người khác, tôi thấy rất vui, tinh thần thoải mái”.
Bà Phạm Thị Tươi - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xã Tân Phú Đông cho biết: “Dù lớn tuổi nhưng chú Ba Tấn vẫn tích cực với việc vận động tặng quà, cất nhà tình thương cho người nghèo, bắc cầu nông thôn... Là người giữ vai trò nòng cốt, tập hợp được nhiều người cùng tham gia làm những việc hữu ích cho quê hương. Chú Ba xứng đáng là tấm gương sáng về công tác từ thiện xã hội để mọi người học tập, noi theo”.
Suốt 25 năm với những việc làm đầy tính nhân văn, ông Đoàn Văn Tấn được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, được nhận Bằng khen của UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp. UBND TP.Sa Đéc và xã Tân Phú Đông cũng nhiều lần khen thưởng ông Đoàn Văn Tấn.
HÒA HIỆP