TP.Sa Đéc đề cao trách nhiệm phòng, chống thiên tai

Cập nhật ngày: 15/08/2020 11:35:50

ĐTO - TP.Sa Đéc xác định, phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cấp thành phố và xã, phường, của toàn dân, toàn xã hội. Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên ngành; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, lấy phòng để chống, lấy phòng để ứng phó; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; đảm bảo chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) gắn với xây dựng cộng đồng an toàn... Thành phố tập trung nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; bảo đảm cho các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai; khắc phục khẩn trương và hiệu quả sau thiên tai.

Từ năm 2018 đến tháng 6/2020, trên địa bàn TP.Sa Đéc ước tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai khoảng 632,52 triệu đồng (không có thiệt hại về người). Trong đó, sập hoàn toàn 4 căn nhà, tốc mái 49 căn nhà, 15 trụ điện bị gẫy đổ, đổ sập 2 bảng cổng chào, sập và tốc mái 8 nhà lưới hoa kiểng, đổ ngã một số cây, hoa kiểng của người dân...

Phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thành phố luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, xây dựng các công trình ô bao, từng bước đáp ứng yêu cầu cấp nước tưới tiêu cho sản xuất, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tuyển chọn những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để bổ sung, thay thế những giống cây trồng, vật nuôi không còn phù hợp, gắn với thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp và xác định lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu. Đồng thời thường xuyên rà soát nạo vét các tuyến kênh để khơi thông lòng kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho Nhân dân trong khu vực. Trong giai đoạn 2018-2020, từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ (vốn thủy lợi phí và vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đất trồng lúa hơn 11 tỷ đồng), thành phố đã triển khai đầu tư nạo vét 11 công trình (14 tuyến kênh), với chiều dài 44.471m và 9 công trình cứng hóa ô bao, dài 4.562m, 2 cống hở và 2 cống ngầm. Việc xả lũ vào đồng ruộng là việc làm phù hợp với tự nhiên, được người dân đồng tình cao (năm 2018 là 1.375ha và năm 2020 dự kiến là 126ha). Thông qua việc xả lũ, chất lượng đất đai cải thiện hơn, môi trường sinh thái tốt hơn làm giảm đi chi phí sản xuất ở vụ tiếp theo. Đối với chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản do đã có kinh nghiệm của các năm trước nên người dân chăn nuôi đã chủ động tôn cao nền chuồng, chuẩn bị đăng, lưới để bảo vệ an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn