Trẻ em bị xâm hại tình dục - Nỗi đau nhức nhối của gia đình và xã hội
Cập nhật ngày: 07/04/2017 09:13:41
ĐTO - Qua công tác can thiệp tư vấn, vãng gia các nạn nhân bị xâm hại tình dục (XHTD), Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em (CTXHBVTE) phát hiện có hơn 80% đối tượng XHTD trẻ em (TE) là người thân quen, hàng xóm, bà con của trẻ hoặc TE có quan hệ yêu đương.
Học sinh tham gia buổi sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống do Tỉnh đoàn tổ chức
Từ năm 2012-2016, tỉnh xảy ra 193 TE XHTD. Những vụ XHTD để lại nhiều nỗi đau cho gia đình nạn nhân; nạn nhân bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, mặc cảm với xã hội. Do đó, các bậc cha mẹ đặc biệt quan tâm, chăm sóc trẻ nhiều hơn, dạy cho trẻ các kỹ năng sống cần thiết để có thể nhận biết, phòng tránh các mối nguy hiểm về XHTD.
Lợi dụng mạng xã hội facebook, đối tượng V.X.C. (ngụ TP.Sa Đéc) đã quen biết với cháu Ph. (15 tuổi) ngụ huyện Lai Vung. Sau đó, đối tượng đã hẹn hò với cháu Ph. đến nhà trọ thực hiện hành vi XHTD. Đến lần thứ 2 thì đối tượng bị lực lượng công an phát hiện, xử lý về tội XHTD TE. Do có mối quan hệ quen biết với gia đình, lợi dụng gia đình không cảnh giác, đối tượng Ch.Th.M., (ngụ xã An Bình A, TX.Hồng Ngự) đã có hành vi dâm ô đối với TE gái 8 tuổi, ngụ TX.Hồng Ngự. Gia đình phát hiện và trình báo với cơ quan chức năng, đối tượng đã bị xử lý theo quy định pháp luật. Những trường hợp bị XHTD, Trung tâm CTXHBVTE tỉnh đã đến tư vấn, kịp thời giúp nạn nhân ổn định tinh thần. Đa số các em đã ổn định tâm lý; có 1 trường hợp bị XHTD nhưng do gia đình không biết, dẫn đến mang thai. Qua công tác can thiệp tư vấn, vãng gia các nạn nhân bị XHTD, Trung tâm CTXHBVTE phát hiện có hơn 80% đối tượng XHTD TE là người thân quen, hàng xóm, bà con của trẻ hoặc TE có quan hệ yêu đương. Thống kê của Phòng Bảo vệ, chăm sóc TE và Bình đẳng giới (BVCSTE&BĐG) - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của các vụ XHTD TE phần nhiều là sự chủ quan của gia đình, tin tưởng vào mối quan hệ thân quen nên không cảnh giác; đối tượng lợi dụng việc khó thu thập chứng cứ, nghĩ không ai tìm được mình; một số khác nghĩ TE không dám nói, gia đình không dám nói vì sợ mất danh dự.
Quý I năm 2017, toàn tỉnh có 5 vụ TE bị XHTD, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, xử lý đối tượng. Trước diễn biến phức tạp của tội phạm XHTD TE, các bậc cha mẹ cần quan sát, chăm sóc trẻ kỹ hơn, thấy biểu hiện bất thường trên cơ thể TE phải hỏi, để trẻ nói ra. Hiện tỉnh có số đường dây nóng của Trung tâm CTXHBVTE: 067.851.6171 hoặc số 1800.1567 của Cục Bảo vệ TE chuyên tư vấn về các vấn đề tâm lý TE, nếu trẻ cần hãy gọi đến, sẽ được giúp đỡ ngay. Hiện nay, biện pháp chủ yếu hỗ trợ TE bị XHTD là Phòng BVCSTE&BĐG, Trung tâm, địa phương tư vấn tâm lý, hướng dẫn các thủ tục khám sức khỏe. Nếu trường hợp gia đình quá khó khăn, TE bị XHTD bị ảnh hưởng sức khỏe, Trung tâm CTXHBVTE, địa phương vận động xã hội hỗ trợ để TE được khám sức khỏe. TE có nhu cầu học nghề, Trung tâm sẽ kết nối giới thiệu nơi để gia đình đưa trẻ đến học. Ông Lê Hữu Dụng - Giám đốc Trung tâm CTXHBVTE tỉnh cho biết: “Nhiều trường hợp nạn nhân bị XHTD bị sốc về tâm lý, hoang mang, dang dở chuyện học hành... Có thể nói, vấn nạn XHTD TE đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Vì thế, tôi mong rằng các gia đình hãy quan tâm, quản lí, giáo dục con mình một cách chặt chẽ hơn”.
Công tác truyền thông phòng, chống XHTD TE là việc được làm thường xuyên. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành nhiều công văn, kế hoạch đẩy mạnh phòng, chống XHTD TE. Trung tâm CTXHBVTE mở lớp tập huấn giáo dục kỹ năng sống cho TE tại một số xã có TE có nguy cơ bị XHTD, địa phương nóng về vấn đề XHTD TE (năm 2017, dự kiến tổ chức 15 lớp). Ban thanh thiếu nhi trường học - Tỉnh đoàn kết hợp hiệu trưởng các trường thực hiện nhiều buổi sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học, THCS. Ngoài ra, các địa phương tích cực thực hiện nhiều giải pháp truyền thông phòng, chống XHTD TE như: mô hình truyền thông nhóm ở Lấp Vò, tư vấn vãng gia ở Lai Vung, lồng ghép tuyên truyền trong đoàn thể ở huyện Cao Lãnh...
Phòng, chống XHTD TE là công tác được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên bằng nhiều giải pháp. Tuy nhiên, cha mẹ hãy là một người tuyên truyền tốt nhất, người bạn đồng hành tin cậy để bảo vệ tốt TE. Bà Lê Thị Phiến - Trưởng Phòng BVCSTE&BĐG chia sẻ: “Mong các bậc cha mẹ hãy thay đổi nhận thức, mạnh dạn chỉ tên những đối tượng phạm tội. TE bị XHTD, gia đình phải báo ngay cho ngành chức năng, tuyệt đối không thỏa hiệp, nhận bồi thường từ đối tượng. Các bậc phụ huynh phải giáo dục sức khỏe giới tính cho trẻ, phải nói một cách nghiêm túc về tình dục, hậu quả của nó để trẻ hiểu, biết phòng tránh...”.
MỸ XUYÊN