Trẻ em dễ bị tai nạn thương tích

Cập nhật ngày: 02/05/2019 19:10:20

ĐTO – Trẻ em (TE), hiếu động, ham chơi, hay chạy nhảy, leo trèo nên rất dễ bị tai nạn thương tích (TNTT) như: gãy tay, gãy chân, bỏng... Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) mỗi năm, tỉnh có khoảng 2.000 trường hợp TE bị các TNTT. Do đó, các bậc phụ huynh hãy quan tâm con mình nhiều hơn để tránh những trường hợp bị tai nạn đáng tiếc xảy ra.


Bé gái ở phường 1, TP.Cao Lãnh bị gãy xương đùi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Chăm sóc con suốt cả tuần tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, chị Nguyễn Thị Lệ ngụ xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh chưa hết bàng hoàng về sự cố phỏng nước sôi của con trai mình. Chị Lệ kể, hằng ngày vợ chồng chị phải đi làm mướn nên để con trai Nguyễn Tuấn Tú (18 tháng tuổi) ở nhà cho chị gái 10 tuổi và bà nội chăm sóc. Trong lúc bà nội cho chị gái giữ em Tú để nấu cơm, em đòi uống sữa, chị rót nước sôi pha sữa cho em uống, sơ ý chưa đậy nắp bình thủy lại. Do bản tính hiếu động, quấy phá nên em Tú bò tới hốt bình nước sôi. Bình thủy nước sôi bị lật, em bị phỏng vùng cổ và ngực phải đưa đến bệnh viện để cấp cứu, điều trị. Chị Lệ chia sẻ: “Khi nhận được tin, về đến nhà gặp con bị bỏng, tôi như mất hồn. Vào viện điều trị 4 ngày, tình trạng vết bỏng của bé đã đỡ hơn. Lần này rút kinh nghiệm, về nhà tôi phải coi giữ cháu cẩn thận hơn”.

Bỏng nước sôi là một trong những TNTT hay gặp ở TE. Không chỉ có bỏng nước sôi, mà còn có một số trường hợp bị bỏng do lửa, cồn. Ngoài tai nạn bỏng, tai nạn gãy tay, gãy chân do bị té trong lúc leo trèo, chạy nhảy, đùa giỡn hoặc bị tai nạn giao thông là những TNTT phổ biến ở TE hiện nay. Chị Trần Kim Chi ngụ phường 1, TP.Cao Lãnh có con gái 4 tuổi là Nguyễn Trần Bích Trâm. Khi bé đang chơi đùa trước cửa nhà cùng với em họ thì bất chợt chạy sang đường chơi trốn tìm và bị một người điều khiển xe gắn máy đụng phải. Cú va chạm khiến bé bị gãy xương đùi phải nhập viện để phẫu thuật. Chị Kim Chi cho biết: “Hồi nào đến giờ, con cũng giỡn mà chỉ bị té trầy chút đỉnh, lần này gãy cả xương đùi, phải vào viện điều trị cả tuần rồi, chờ được phẫu thuật. Tôi cũng rất lo, sợ ảnh hưởng chân bé sau này. Vừa lo cho con vừa phải bỏ cả công việc làm hàng ngày để chăm sóc con”.

TNTT là một trong những mối hiểm họa nguy hiểm ở TE. Hiện nay, mùa hè đang đến gần, vì thế việc trông giữ, giám sát để TE không bị các TNTT là rất cần thiết. Sở LĐ,TB&XH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về phòng ngừa TNTT ở TE trong nhân dân; chỉ đạo hệ thống Ban bảo vệ TE ở 144 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các bậc phụ huynh nâng cao ý thức bảo vệ con em, phòng ngừa các TNTT.

Đến nay, Sở LĐ,TB&XH tỉnh đã in ấn, phát cho người dân gần 9.000 quyển sổ tay tuyên truyền cho người dân về phòng ngừa TNTT ở TE; tổ chức các lớp truyền thông tại cộng đồng, giáo dục kỹ năng sống cho trên 1.200 TE tham gia. Sở cũng ban hành kế hoạch phòng, chống TNTT ở TE cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thực hiện; duy trì thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống TNTT đuối nước ở TE”, xây dựng mô hình “cộng đồng an toàn”.

Thực hiện các mô hình này, Ban bảo vệ TE cấp huyện, xã, thị trấn tuyên truyền cho bà con nhân dân có con nhỏ dưới 6 tuổi đăng ký cam kết đảm bảo an toàn cho TE; vận động người dân làm hàng rào trước nhà, san lấp các hầm hố xung quanh nhà để đảm bảo an toàn cho TE; không cho trẻ trèo cây, trèo cao trong lúc đùa giỡn. Trong nhà có TE nhỏ không để các vật sắc nhọn như: dao, các đồ vật dễ bị đứt tay, nước sôi, lửa trong tầm tay với của TE để phòng ngừa trẻ bị bỏng, bị các tai nạn khác. Hàng quý, cán bộ làm công tác chăm sóc bảo vệ TE cấp xã, thị trấn, Đoàn thanh niên cấp xã, kết hợp cộng tác viên khóm, ấp tổ chức các lớp tập huấn cho các phụ huynh có con dưới 6 tuổi, tuyên truyền cho họ nâng cao ý thức về việc chăm sóc, bảo vệ TE, phòng tránh các TNTT thường gặp trong lúc chơi đùa.

Các ngành liên quan, các địa phương tuyên truyền đến người dân nên giám sát kỹ con em, đặc biệt trong mùa hè TE không đi học ở nhà hay chơi đùa nên thường có nguy cơ bị các TNTT. Trường hợp, nếu TE lỡ bị tai nạn như bỏng, gãy tay, gãy chân thì phụ huynh không nên tự ý mua thuốc bôi cho con, hoặc đem trẻ đi bó thuốc nam... mà phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị; tránh trường hợp tự ý dùng thuốc sẽ ảnh hưởng đến trẻ và gây khó khăn khi đến điều trị tại các cơ sở y tế.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn