Vẹn đôi đường hạnh phúc chung riêng

Cập nhật ngày: 16/03/2017 06:19:47

Ở Sa Đéc, ai cũng biết thầy Mốt - cách gọi đầy kính trọng nhưng không kém phần tình cảm, thân thương, gần gũi. Bởi lẽ, cả cuộc đời ông luôn dấn thân vào sự nghiệp cách mạng, giáo dục và công tác từ thiện xã hội.


Gia đình ông Nguyễn Văn Mốt

 Ông Nguyễn Văn Mốt (sinh năm 1939, quê xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) xuất thân trong một gia đình nho giáo, giàu lòng yêu nước, nhân ái, được xóm làng tin yêu vì nhiều nghĩa cử hào hiệp, giúp đỡ người nghèo khó. Thừa hưởng tinh thần thiện nguyện vì việc nghĩa của song thân, nên dù việc lớn hay nhỏ, dù dễ dàng hay khó khăn phức tạp, miễn thấy đúng là ông quyết chí làm cho bằng được, không bao giờ nản lòng, bỏ cuộc.

Thuở nhỏ, vốn thông minh, lại cần cù, chịu khó nên ông học rất giỏi, từ tiểu học trường làng đến trung học, rồi cao đẳng, đại học, ông luôn đỗ đầu. Được sự khuyến khích của gia đình, ông chọn ngành sư phạm. Sau 2 năm học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long (1962-1964), ông nhận bằng tốt nghiệp và được điều động, bổ nhiệm về Trường trung học tỉnh hạt Cầu Ngang, tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh). Về đây, tuy cơ sở vật chất tạm bợ, học sinh chăm ngoan, hiếu học nhưng còn khá nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy mỗi tháng thầy Mốt thường dành một phần lương của mình để giúp đỡ các em. Trong 6 năm gắn bó với Trường trung học tỉnh hạt Cầu Ngang, thầy Mốt trao trọn cả cái tâm của mình trong việc truyền thụ kiến thức, đạo đức làm người cho thế hệ trẻ nơi đây. Do vậy, sau 47 năm gặp lại, tình cảm thầy trò vẫn mừng mừng, tủi tủi, ấm áp, lưu luyến như ngày nào.

Từ năm 1970 đến ngày giải phóng, thầy Mốt được thuyên chuyển về quê nhà Lai Vung rồi Long Xuyên, Sa Đéc. Thời gian này, thầy Mốt có điều kiện móc nối cơ sở để hoạt động cách mạng (phụ trách phong trào học sinh, sinh viên) tích cực hơn.

Sau ngày 30/4/1975, do bận rộn với hoạt động chính trị (công tác Mặt trận, Tổ chức, Hiệp hội hữu nghị Việt Xô...) nên thầy Mốt không thể tiếp tục với nghề giáo. Giai đoạn này, thầy Mốt có điều kiện quan hệ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng cần sự bảo trợ của xã hội, đây là nền tảng quan trọng để thầy hoạt động từ thiện xã hội tốt hơn sau này. Đó là những công trình đồ sộ mà thầy Mốt dày công xây dựng, chung tay đóng góp như: 25 năm xây dựng Tổ Từ thiện Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, bếp ăn khuyến học, bếp ăn dành cho người bán vé số, vận động xây dựng nhà tình thương, vận động tài trợ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật... Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, thầy Mốt được tặng thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen, Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Trong nhiều thành tích đó, thầy Mốt luôn được sự đồng hành, ủng hộ của người vợ rất mực đảm đang, yêu chồng, chăm sóc tốt cho các con trưởng thành - đó là cô giáo Lê Thị Tuyết - một người vợ, người mẹ sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp của chồng (ngày lên xe hoa không có chồng, vì lúc đó thầy Mốt bị chế độ cũ cầm tù vì tội chống bắt đi sĩ quan), cho sự tiến bộ của các con (Nguyễn Lê Thùy Mai sinh năm 1971, lập gia đình và định cư ở Australia, Nguyễn Lê Thanh Mai, sinh năm 1977, Phó Chánh án Tòa án huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp).

Thầy Mốt không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được mà luôn nguyện với lòng phục vụ mãi cho sự phát triển của quê hương, đất nước, lấy niềm vui của xã hội làm hạnh phúc của bản thân và gia đình. Thầy quả là một tấm gương tốt cho mọi người học tập.

Huỳnh Văn Bé

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn