Xuống hay tới

Cập nhật ngày: 04/05/2020 18:37:58

Ở một thành phố tỉnh ta có câu khẩu hiệu hành động “Xuống phố về làng”. Khẩu hiệu đó thể hiện tinh thần dân vận, cán bộ, công nhân viên đến dân, gần dân hơn nữa, tránh tình trạng cái ghế ngồi mọc rễ tại cơ quan, văn phòng, suốt buổi chỉ biết chăm chăm màn hình trong phòng có máy lạnh. Tư tôi nhiệt liệt hoan nghinh chủ trương cầu thị, gần dân, nghe dân nói, nói dân nghe đó.

Trong bốn chữ đó, Tư tôi khoái nhứt chữ về làng – Làng có nghĩa nơi dân cư ở. Về có nghĩa từ đó đi và lại về; từ dân trở về với dân. Ông bà mình từng dạy quân dân như cá với nước. Cụ thể dân là nước, cán bộ, công nhân viên là cá. Cá thoát ra khỏi nước là cá chết.

Chỗ Tư tôi hơi lướng vướng là hai chữ xuống phố. Phố là nơi dân cư đô thị ở. Xuống phố cũng có nghĩa đến với dân. Nghe qua ai cũng hiểu. Chỗ Tư tôi muốn nói là từ xuống – xuống có nghĩa là từ trên đi xuống. Vậy là giữa cán bộ, công nhân viên ở cao hơn dân một bậc hay mấy bậc. Muốn tới dân, gặp dân phải xuống. Thật ra dù cán bộ cấp nào cũng đều ở trong dân, sống chung với dân như cá với nước. Hằng ngày tới dân, gặp dân là chuyện bình thường. Tư tôi nghĩ sao mình không nói đến dân hay tới dân, nghe nó gần gủi, thân mật, gắn bó hơn. Nhiều lần Tư tôi cũng nghe cán bộ xã, ấp nói hai chữ xuống dân. Xã, ấp đã là cấp cơ sở rồi mà còn xuống nữa thì... hết biết!

Tóm lại, Tư tôi mạo muội đề xuất thay vì nói xuống ta thay bằng tới hoặc đến, nghe nó ngang nhau hơn!

TƯ RÈN

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn