“Xây nền” nghĩa tình
Cập nhật ngày: 18/04/2024 14:59:14
ĐTO - Rất có lý khi các cơ quan tham mưu và Tỉnh ủy Đồng Tháp đệ trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X chọn nội dung xây dựng con người Đồng Tháp “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”. Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn việc lựa chọn và phát triển các yếu tố xây nền người Đồng Tháp nghĩa tình. Nghĩa tình là một trong những phẩm chất rất quan trọng của loài người nói chung, của người Việt Nam và người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng.
Khách du lịch thích thú với cánh đồng sen Tháp Mười ở huyện Tháp Mười (Ảnh: D.Út)
Để không phải tranh luận về tính khoa học việc xác định thế nào là người Đồng Tháp, người viết bài này gọi người Việt Nam ở Đồng Tháp (dù là dân “gốc” hay định cư trong thời gian ngắn). Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ X và dĩ nhiên về sau nữa, Đảng bộ tỉnh đã và sẽ tập trung xây dựng con người Việt Nam ở Đồng Tháp nghĩa tình. Nghĩa là lẽ phải, khuôn phép cho cách xử thế của con người trong các quan hệ xã hội. Đó là quan niệm “trước sau như một”, trọn vẹn. Nghĩa tình là tình cảm yêu thương gắn bó, thủy chung giữa con người với con người. Đây là tình cảm của con người rất thiêng liêng và cao quý. Người Việt Nam ở Đồng Tháp được sống trong môi trường “tự nhiên” có tính kết nối ấy. Vùng đất của Đồng Tháp là một vùng đất mới, từng là nơi hoang vu - “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh”. Để tồn tại và phát triển trong môi trường khắc nghiệt ấy, con người phải gắn kết, nương tựa lẫn nhau, dần dần tạo nên cách sống “tối lửa tắt đèn có nhau”. Mặt khác, đứng trước các thế lực bạo quyền và những kẻ xâm lược, con người ở đây phải “chung lưng đấu cật” tiến hành các cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do và bình đẳng.
Những điều kiện “đủ” ấy được nhân lên khi Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là các Đảng bộ đã lãnh đạo, tổ chức, giáo dục và rèn luyện một cách sâu sắc về tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào và ý thức đạo đức cách mạng “mình vì mọi người, mọi người vì mình” trong các tầng lớp nhân dân. Đạo đức cách mạng và tình cảm cách mạng hòa quyện trong dòng chảy đạo đức, lối sống dân tộc qua lời dạy, tâm niệm “chết đống còn hơn sống mình”, “tương thân, tương ái”, ‘lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”... đã nâng cao cốt cách, vẻ đẹp của con người Đồng Tháp. Chính các giá trị quan trọng ấy đã dẫn dắt người Đồng Tháp đứng lên giải phóng quê hương, góp phần giải phóng đất nước, chinh phục Đồng Tháp Mười và từng bước làm “thay da đổi thịt” ở nơi “khuất nẻo” này. Đảng bộ ở Đồng Tháp có nền vững chắc để xây dựng con người Đồng Tháp nghĩa tình.
Tuy nhiên, sẽ là ảo tưởng nếu để mọi chuyện “tự nhiên thành”. Cả nước nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng đã và đang đứng trước những cơ hội, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức lớn trong quá trình xây dựng xã hội hiện đại và văn minh nói chung, con người Đồng Tháp nghĩa tình nói riêng. Nhiều yếu tố là tác nhân làm thay đổi, xói mòn “cái nền” nghĩa tình tốt đẹp ấy đã và đang xuất hiện. Trước hết, địa phương và cả nước nằm trong xu hướng toàn cầu hóa. Là một phần của thế giới hội nhập, nhiều quan niệm về các giá trị bị thâm nhập, tiếp biến và có mặt bị đảo lộn. Thứ đến, nền kinh tế đang trong giai đoạn đầu “sơ khai”, “hoang dã” của kinh tế thị trường và bị chi phối nặng nề bởi lợi ích cực đoan, “thân hữu”. Thị trường được ví như chiến trường, cuộc cạnh tranh được mất làm xuất hiện quan niệm “cá lớn nuốt cá bé” và đồng tiền được xem là vạn năng - “Có tiền mua tiên cũng được”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Song hành với điểm ấy, sự phát triển “vũ bão” của khoa học công nghệ mà nhất là công nghệ thông tin đưa lại cho xã hội những điều kỳ diệu nhưng bị kẻ xấu khai thác các quan niệm “phi nhân” khuếch tán vừa nhanh vừa mạnh. Một hành vi xấu thuộc số ít trước đây có thể bị đẩy lên thành làn “sóng dữ” bởi tâm lý đám đông thông qua mạng xã hội. Mặt khác, các khuyết tật trong xã hội cũ vẫn còn “ẩn náo” trong số ít người đây đó đã bị “cộng hưởng” hoàn cảnh được nói trên làm cho một số hành vi vô tâm, vô tình, vô cảm, bạc nghĩa, bội tình, “ăn cháo đá bát”, “qua cầu rút ván”... diễn ra với tần suất cao. Mái ấm trong gia đình bị “nóng lạnh”, thậm chí giết nhau chỉ vì tài sản thừa kế. Tình làng một thời được ghi nhớ: “Bán bà con xa mua láng giềng gần” thành “ai chết mặc ai”. Chửi, đánh hay gây thương tích chỉ vì cái nhìn “đáng ghét”, sự va chạm “vặt” khi tham gia giao thông. Rõ ràng, nền tảng nghĩa tình khá vững chắc trong cộng đồng người Đồng Tháp có những dấu hiệu bị mai một cần được nghiên cứu cẩn thận, đầy đủ để không những “trả lại” mà còn phát triển về con người Đồng Tháp nghĩa tình trong thời kỳ mới.
Thiết nghĩ, việc phát triển nhanh nền kinh tế với lực lượng sản xuất hiện đại phải luôn được chú trọng tạo tính liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các kế hoạch đồng bộ gắn các lĩnh vực xã hội và pháp lý lành mạnh, minh bạch. Đầu tư kết cấu hạ tầng mà nhất là các công trình giao thông, công trình công cộng và các thiết chế văn hóa thiết yếu. Tạo dựng xã hội chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tiên tiến trên nền văn hóa - truyền thống tốt đẹp bản địa và khích lệ con người luôn luôn hướng thiện, trung thực, sống hài hòa, thân thiện với tự nhiên và với nhau. Thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị nói chung, chính quyền nói riêng của dân, do dân, vì dân - một chính quyền kiến tạo, đồng hành với người dân.
Học thuyết mang tính cách mạng và khoa học Mác - Lênin ở chỗ chỉ cho chúng ta hiểu được cái gốc và cách thức vận hành, phát triển của sự vật và hiện tượng. Các ông cho rằng: Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Khi các “quan hệ xã hội” thay đổi theo chiều hướng tiến bộ thì con người sẽ phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Con người Đồng Tháp nghĩa tình đã được hình thành bởi các yếu tố: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Với những điều kiện phát triển mới và dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự hỗ trợ các tổ chức chính trị - xã hội, người Đồng Tháp sẽ sống và hoạt động nghĩa tình trong xã hội đầy nhân ái.
DÂN BIỆN