Cần lắm cái nhìn biện chứng

Cập nhật ngày: 27/06/2024 10:59:03

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240627105931dt2-1.mp3

 

ĐTO - Thời gian gần đây, một số tranh luận, bàn luận về chiến tranh và hòa bình ở nơi này nơi kia, về chuyện tốt và xấu trong đời sống xã hội trở nên “nóng”. Bên cạnh những nhận xét có chừng mực, vài người “lớn giọng” phán xét: “tất cả nhân loại này suy thoái hết, suy thoái đến tận cùng...”. Qua câu nói này cho thấy, một lỗ hổng lớn trong cách nhìn biện chứng đối với sự vật và hiện tượng mà chúng ta cần phải làm rõ.

Phương pháp duy vật biện chứng là hạt nhân của Học thuyết Mác - Lênin - một học thuyết cách mạng và khoa học. Nó là nền tảng tư tưởng và “kim chỉ nam” hành động của Đảng và xã hội. Do vậy, phần đông người nắm được phương pháp duy vật biện chứng trong học thuyết Mác - Lênin. Phương pháp luận này có các nguyên tắc cơ bản là: nguyên tắc khách quan, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát triển và nguyên tắc lịch sử - cụ thể. Lênin rất lưu ý rằng: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”. Nếu so sánh một số thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, chúng ta bắt gặp cách nhìn toàn diện hay cụ thể của phép biện chứng. Chẳng hạn: “Thấy cây mà không thấy rừng”, “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, “Vơ đũa cả nắm”, “Sông có khúc, người có lúc”... Trái ngược hoàn toàn với cách nhìn biện chứng, kiểu tư duy phiến diện, một chiều đối với sự vật, hiện tượng dễ đầu độc, hủy hoại cách nghĩ của con người. Trong cuộc sống và công tác, đôi khi chúng ta va chạm với loại nhận thức ấy. Với việc cho rằng “tất cả nhân loại này suy thoái hết, suy thoái đến tận cùng...” không những phiến diện, mà còn là sự nông nổi. Trên tinh thần thật sự bình tâm, chúng ta hãy điểm vài vấn đề của thế giới và Việt Nam để “tính sổ” với nó.

Đúng là thế giới chúng ta đang quá trình chuyển đổi lớn. Xung đột và chiến tranh đang lan rộng ở vài châu lục, nhưng hòa bình, liên kết và hợp tác vẫn là mạch chính. Sự độc quyền và cường quyền nổi lên đây đó, nhưng xu hướng đa cực và cùng thắng được thúc đẩy. Khoa học - công nghệ phát triển như “vũ bão” với những yếu tố có thể làm cho loài người tiêu vong tức thời, nhưng cũng hướng đến xây dựng hành tinh này xanh hay chuẩn bị đưa con người đến Mặt trăng và sao Hỏa. Khí hậu ngày càng có dấu hiệu “cực đoan” của sự hủy diệt, nhưng các chính phủ, công ty và tổ chức đang có các kế hoạch hành động để đạt net - zero. Dịch bệnh với những đại dịch gây kinh hoàng cho con người, nhưng các loại vaccine đã và đang khống chế được nhiều loại bệnh. Tương tự như vậy, Việt Nam đã và đang trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng nên các yếu tố thuận và nghịch của thế giới đều tác động trực tiếp vào mọi lĩnh vực. Những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội tạo đà cho sự phát triển đất nước trong tương lai lại song hành với các “nguy cơ tụt hậu”.

Theo đó, bức tranh tổng thể của Việt Nam ẩn chứa các gam màu sáng - tối. Chúng ta xét thêm vài lĩnh vực để dễ hình dung. Trong chính trị, sự thay đổi đột ngột và liên tiếp vài chức vụ chủ chốt của bộ máy Nhà nước gây lo ngại trong xã hội, nhưng Đảng đã dần củng cố, kiện toàn và toàn bộ hệ thống chính trị hoạt động ổn định. Về kinh tế, lĩnh vực này hay ngành kia bị thiệt hại hay sa sút, nhưng “tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Về mặt xã hội, một số vụ án và tiêu cực tạo bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, nhưng chỉ riêng việc thực hiện chủ trương xây nhà kiến cố cũng làm “ấm lòng” xã hội. Phân tích về mặt đạo đức, nếu đã “suy thoái đến tận cùng” thì làm sao giải thích được về những đoàn tàu xe chở hàng cứu trợ đến Gaza, sự gian khổ của các chiến sĩ tham gia giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc hay chàng trai dám xông vào lửa để cứu người đã xảy ra ở chung cư Hà Nội gần đây. Không một ai có thể ghi chép hết về những việc làm đầy nhân ái, thiện nguyện của con người trên hành tinh này nói chung, hay một góc miền quê nói riêng.

 Cách nhìn phiến diện, tiêu cực chỉ hại mình và hại người. Và như vậy, mỗi người chúng ta phải luôn luôn rèn luyện tư duy biện chứng. Lênin đã “cố vấn” hữu hiệu cho những ai nỗ lực trên con đường nhận thức đúng hiện thực khách quan. Ông nói: “Muốn thực sự thấu hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó. Chúng ta không thể làm được điều đó một cách hoàn toàn đầy đủ. Nhưng sự cần thiết phải xem xét tất cả các mặt sẽ đề phòng cho chúng ta khỏi phạm phải sai lầm và cứng nhắc”. Thế nên, cần lắm cái nhìn biện chứng.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn