Đánh giá tình hình

Cập nhật ngày: 11/07/2024 05:41:00

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240711054144dt3-2.mp3

 

ĐTO - Hiện nay, vài tổ chức chính trị - xã hội đang bước vào giai đoạn chuẩn bị đại hội. Do vậy, việc đánh giá tình hình đang đặt ra có tính thời sự. Cứ ngỡ, đó là công việc hiển nhiên, quen thuộc không cần bàn luận. Hóa ra, sự việc lại không đơn giản chút nào. Đánh giá và đánh giá đúng tình hình thuộc nhóm năng lực và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý. Phân tích tình hình chuẩn xác, cá nhân hay tổ chức mới lượng được mục tiêu, nhiệm vụ với các giải pháp, biện pháp sát hợp. Vì vậy, trao đổi thêm về đánh giá tình hình là việc có ích.

Tình hình được hiểu là toàn thể những sự việc có liên quan với nhau, qua đó thể hiện một sự tồn tại, một quá trình diễn biến, trong một thời gian hoặc một thời điểm. Khi đề cập về tình hình, điểm quan trọng là mối liên hệ giữa các sự kiện. Chẳng hạn, cuộc chiến giữa Russia và Ukraine có ảnh hưởng sâu rộng toàn thế giới, nhưng không vì thế mà đưa vào nhận định tình hình ở một địa bàn xã, huyện, thậm chí là tỉnh nào đấy. Bên cạnh hiểu thế nào là tình hình, chúng ta cần nắm vững phương pháp đánh giá và phạm vi cùng với nội dung tình hình.

Về đánh giá tình hình, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI được xem là mẫu mực. Quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của Đại hội vẫn định hướng trong cách thức đánh giá cho các lần Đại hội của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, lời chỉ dẫn: “Mỗi người nên đi tìm điều vốn thế chứ không phải nghĩ là điều nên thế” của Albert Einstein, nhà vật lý lý thuyết vĩ đại rất chuẩn xác không chỉ trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Chẳng hạn xác định ai là công nhân, số lượng, trình độ, điều kiện việc làm, thu nhập, nhà ở, việc chăm sóc trẻ... để phản ánh đúng “tình cảnh của giai cấp công nhân”. Nếu không đi vào những chi tiết ấy, chúng ta chỉ khái quát bản chất và phẩm chất của họ như tinh thần quốc tế, lòng yêu nước, sự đoàn kết, tính chăm chỉ... mà các cơ sở dữ liệu của nó khá mơ hồ và có thể bị suy diễn sai lệch.

Về phạm vi và nội dung tình hình, hầu như các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh nên xem xét trên phương diện rộng cả quốc tế, trong nước và tình hình thuộc địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội phải nhìn nhận tình hình quốc tế vì trong thế giới đương đại mỗi quốc gia đều có quan hệ, gắn kết chặt chẽ lẫn nhau. Nói nôm na hình ảnh: “Trái đất là ngôi nhà chung”. Dĩ nhiên, việc đánh giá ấy chỉ tập trung vào những xu thế lớn và những nội dung gần với mục đích, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội ấy. Nhìn chung, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có thể lưu ý những nét lớn sau đây:

Đối với tình hình quốc tế, một số xu hướng lớn về xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, chiến tranh và hòa bình; tính hai mặt của cạnh tranh và hợp tác; trạng thái đơn cực và đa cực; sự phát triển “vũ bão” của khoa học công nghệ giúp con người có những cơ hội và thách thức lớn; tình trạng “cực đoan” của biến đổi khí hậu; mức gia tăng và lây truyền của dịch bệnh...

Đối với tình hình trong nước, những vấn đề lớn như sự ổn định chính trị được giữ vững; quá trình tăng tốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Đối với tình hình thuộc địa phương (đơn vị), các nội dung lớn của địa phương và cơ quan lãnh đạo cấp trên có liên quan trực tiếp đến tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính yếu của tổ chức và kết quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ của Đại hội vừa qua. Đó là những vấn đề trở thành “lệ” của đánh giá.

Vấn đề còn lại là quan điểm và phương pháp đánh giá đã được bàn ở bên trên. Điểm căn bản là chọn lọc tư liệu và số liệu bảo đảm tính chính xác của nó. Bản thân con số tự nó nói lên tất cả. Người lãnh đạo tài năng hiểu rõ “điềm báo” trước từ con số và tìm cách để cho vấn đề trở nên tốt đẹp hơn. Làm lãnh đạo quốc gia nhận thấy các hệ lụy từ dân số già. Tương tự như vậy, lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội phải có số lượng thực thành viên, số người có điều kiện trở thành thành viên, số thành viên gia nhập từng năm và trong nhiệm kỳ, số người ra khỏi tổ chức... để xem tổ chức có bị “nhạt”. Ở đây, người lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội phải dũng cảm chấp nhận những con số thật, không vì thành tích của cơ quan mà “lựa” con số và tệ hại hơn là làm ra con số ảo. Lịch sử những cuộc đổ vỡ của chế độ chính trị, của tổ chức chính trị, của một phong trào chính trị đều bắt nguồn từ những con số giả. Thế nên sẽ không thừa khi nhắc lại quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.

Đánh giá và đánh giá đúng tình hình làm cơ sở để xác lập mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm định hướng hoạt động cho nhiệm kỳ của tổ chức chính trị - xã hội là vô cùng hệ trọng. Người lãnh đạo của tổ chức chính trị - xã hội phải chuyển tải tinh thần làm việc nghiêm túc đến các thành viên của tổ chức, nhất là những người trực tiếp biên tập văn kiện. Quan điểm và phương pháp đánh giá khoa học phải được đặt lên hàng đầu. Và, một nội dung trong bài học kinh nghiệm thứ hai mà Đảng ta rút ra trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là: “...mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân...” phải luôn được ghi nhớ.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn