Thi đua và khen thưởng - cộng hưởng và cản trở

Cập nhật ngày: 09/09/2024 13:58:54

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240909020001dt3-2.mp3

 

ĐTO - Là người Việt Nam yêu nước, từ già đến trẻ, đều nhớ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua. Người nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Theo lời kêu gọi của Người, lớp lớp thế hệ người Việt Nam hăng hái thi đua lập nên những kỳ tích đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu của tập thể và cá nhân và được cơ quan có thẩm quyền công nhận, suy tôn. Chính sự suy tôn (khen thưởng) đã kích hoạt phong trào thi đua phát triển sâu rộng. Như vậy, khen thưởng là một trong những nhân tố cộng hưởng hoặc cản trở của phong trào thi đua bởi nó có vai trò “đòn bẩy” nên cần nhận diện và kịp thời thay đổi.


Giáo viên dạy giỏi giáo dục Mầm non cấp huyện năm học 2022 - 2023 được biểu dương, khen thưởng

Trước hết, chúng ta hiểu thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua gắn liền với khen thưởng. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hoạt động của xã hội, thi đua có tính tất yếu. C. Mác - nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, có nhận xét rằng: “Thi đua nảy nở trong quá trình hợp tác lao động, trong hoạt động chung của con người, làm tăng thêm nghị lực riêng của từng cá nhân và cả cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển”.

Thật vậy, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phong trào thi đua yêu nước đã và đang xác thực cho nhận định ấy.

Phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam làm bùng cháy ngọn lửa tinh thần yêu nước và qua đó, làm cho nhân vật và hành động thi đua trở nên sáng chói. Từ yêu nước đã đưa đến: “Có cái chết hóa thành bất tử. Có những lời hơn mọi bài ca. Có con người từ chân lý sinh ra” (Tố Hữu). Thật ra, những con người ấy “không màng danh lợi”. Theo tiếng gọi của Đảng, họ xung phong ra tiền tuyến hoặc “ở nơi đầu sóng ngọn gió”. Từ sự miệt mài, dũng cảm và tài năng nổi bật trong chiến đấu, sản xuất, công tác, nghiên cứu khoa học, học tập..., họ được tập thể bình xét, suy tôn và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận một danh hiệu tương ứng với thành tích của họ. Theo đó, các việc khen thưởng đã khích lệ phong trào và cổ vũ những con người yêu nước thi đua. Các danh hiệu và phần thưởng: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Dũng sĩ, Huân chương, Huân công, Chiến sĩ thi đua, Bằng khen, Giấy khen... là sự tôn vinh chính đáng và là niềm tự hào đối với người hoặc tập thể có thành tích. Cứ thế, phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng và trở thành hành động tự giác của mỗi người Việt Nam yêu nước.

Dù chỉ là một đơn vị nhỏ và đóng góp chưa nhiều, phong trào thi đua yêu nước của Trường Mầm non Bình Thạnh B, huyện Cao Lãnh đã có những điểm son. Nhiều năm liền, trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Tập thể lao động tiên tiến” và cùng đồng vinh danh với một số cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh hay Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Tuy nhiên, việc khen thưởng vẫn còn vài bất cập cần được tiếp tục tháo gỡ. Trên thực tế, việc “nuôi” thành tích đối với người đã được khen thưởng vẫn còn tồn tại; cách bình xét thiếu công bằng bởi có đối tượng được “vị nể”; tình trạng không tương đồng về quy định tỷ lệ đơn vị hoặc cá nhân “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” giữa cơ quan Đảng và Nhà nước; thời gian thông báo công nhận sáng kiến, thứ hạng sau thời gian xét khen thưởng cá nhân... Những “rào cản” ấy cần được hướng dẫn một cách cụ thể.

Để việc khen thưởng trở thành “bà đỡ” cho phong trào thi đua yêu nước, thủ trưởng đơn vị và các thành viên của Hội đồng thi đua từng cấp cần nhận thức đúng ý nghĩa của phong trào thi đua để việc khen thưởng trở thành sự tôn vinh, ngưỡng mộ của mọi người. Khen thưởng đột xuất, kịp thời đối với những đóng góp nổi bật của cá nhân và tập thể. Cơ quan chức năng có hướng dẫn chi tiết về quy trình xét khen thưởng, nhưng thủ tục phải gọn. Nghiêm túc tuân thủ Luật, Nghị định về thi đua, khen thưởng. Trong đó, thực hiện đúng Mục c, Khoản 02 Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng: “Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;” và tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số: 98/2023/NĐ-CP có quy định: “Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn”.

Đã là người yêu nước sẽ tự giác thi đua. Từ nội tại của phong trào, thi đua luôn lan rộng và liên tục. Nhưng, cách thức khen thưởng và xét tặng các danh hiệu thi đua đã và sẽ nâng hay hạ thấp phong trào thi đua. Nếu xem thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch thì cần kịp thời điều chỉnh những khiếm khuyết để sự thi đua, khen thưởng thực sự tạo được phong trào. Và khi ấy, nhiều bông hoa đầy hương sắc sẽ nở rộ trong vườn hoa thi đua xã hội chủ nghĩa.

Mỹ Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn