Đồng Tháp
Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính
Cập nhật ngày: 17/08/2024 05:32:48
ĐTO - Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), qua đó công tác CCHC của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan.
Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo trình tự, thời gian quy định
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh thực hiện quy định về rà soát, đánh giá TTHC, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về rà soát, đánh giá TTHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh với tổng số TTHC dự kiến được rà soát, đánh giá là 174 thủ tục (tối thiểu 10% số TTHC của 3 cấp). Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, triển khai rà soát, đánh giá đối với các TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý.
Những thông tin về TTHC luôn được cập nhật thường xuyên lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và đăng tải công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. TTHC được niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ, thường xuyên và rõ ràng tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận, khai thác, nghiên cứu và thực hiện TTHC. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo trình tự, thời gian quy định.
UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông trong năm 2024. Đồng thời tăng cường tuyên truyền việc triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, đặc biệt là 53 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh theo đúng tiến độ và yêu cầu tại Đề án 06 và Quyết định số 422 ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phân công giao việc cụ thể cho từng ngành để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Tỉnh tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu áp dụng cho các loại phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến theo Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để khuyến khích người dân.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp nhằm bảo đảm việc kết nối, thực hiện giải quyết TTHC tại 3 cấp chính quyền, số hóa quy trình, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực theo quy định và bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, nâng cấp chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia đáp ứng yêu cầu tái sử dụng để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện trên địa bàn tỉnh...
Trong xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp năm 2024; Kế hoạch thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy chế vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và triển khai đề xuất danh mục TTHC không tiếp nhận hồ sơ giấy trình UBND tỉnh ban hành.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành Dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, Dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ Chính quyền số và an toàn thông tin mạng tỉnh Đồng Tháp bổ sung về hạ tầng cho Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, bao gồm: máy chủ, lưu trữ, tường lửa,... để bảo đảm hoạt động và an toàn thông tin cho Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đồng thời hoàn thành tích hợp Cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh qua trục tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh; hoàn thành tích hợp với cơ sở dữ liệu Tư pháp hộ tịch của Bộ Tư pháp qua trục LGSP của tỉnh; hoàn thành tích hợp Cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe của Bộ Giao thông vận tải...
Đến nay, tỉnh đã có 3 Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC (1 cấp tỉnh đặt tại Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và 2 Trung tâm tại 2 TP Cao Lãnh, Hồng Ngự) vận hành ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển, vận hành các nền tảng chuyển đổi số, phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh, đồng thời giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ thông minh, từng bước hình thành đô thị thông minh của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới trong xây dựng chính quyền thân thiện, có tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, mang lại nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, vận hành Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết TTHC lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ ứng dụng e-DongThap đến Tổng đài 1022 và đánh giá sự hài lòng của người dân qua kết quả phản hồi các phản ảnh, kiến nghị từ Tổng đài 1022; giao cho Bưu điện tỉnh Đồng Tháp đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình Không gian hành chính phục vụ và mô hình Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh (thứ Hai hàng tuần)...
Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC của tỉnh đã góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các Chỉ số của tỉnh luôn nằm trong nhóm tốt của toàn quốc, như: PCI, PAR Index, SIPAS...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong CCHC, UBND tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện đạt những nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch CCHC năm 2024; đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC với nhiều hình thức, kênh thông tin phong phú, đa dạng; kịp thời phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong thực hiện CCHC, chỉ rõ những nơi còn hạn chế, yếu kém để phê bình và rút kinh nghiệm trong việc đề ra giải pháp thực hiện.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông điện tử ở cấp xã; ban hành các quy định về TTHC thực hiện quy trình giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về số lượng biên chế công chức; tuyển dụng viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức quản lý; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác CCHC tại các sở, ngành tỉnh.
Ngoài ra, triển khai thực hiện điều tra, khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước theo Khung kiến trúc chính quyền điện tử đã ban hành; triển khai các giải pháp trong xây dựng Chính quyền số theo chủ trương chung của Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh...
Nhật Anh