Nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp trong xác định Chỉ số cải cách hành chính
Cập nhật ngày: 15/11/2022 05:18:43
ĐTO - Bộ Nội vụ đã phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 - 2030.
Mục tiêu chung là theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi tắt là bộ), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu cụ thể là đánh giá khách quan, toàn diện, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, các tỉnh; đánh giá kết quả CCHC với tác động của CCHC; kết hợp đánh giá bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đánh giá bên ngoài của người dân, tổ chức đối với kết quả CCHC hàng năm của các bộ, các tỉnh. Cùng với đó, so sánh, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, các tỉnh. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhận rõ những kết quả, tồn tại hạn chế để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả CCHC hàng năm.
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá của Chỉ số CCHC là 100. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 30,50/100.
Kết quả Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan được xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Kết quả Chỉ số CCHC của 2 cơ quan đặc thù (Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ) có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ. Kết quả Chỉ số CCHC của 63 tỉnh được xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Kết quả Chỉ số CCHC của các tỉnh được xếp hạng theo 6 nhóm tương ứng với 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm có: Trung du và Miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố), Tây Nam Bộ (13 tỉnh, thành phố).
Bộ Nội vụ đề ra các giải pháp để thực hiện như nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp đối với việc xác định Chỉ số CCHC; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kinh phí cho công tác xác định Chỉ số CCHC.
Các bộ, tỉnh bố trí đủ kinh phí, nhân lực để triển khai việc xác định Chỉ số CCHC trong phạm vi trách nhiệm của bộ, tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo tự chấm điểm xác định Chỉ số CCHC của bộ, tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số CCHC của bộ, tỉnh.
Bên cạnh đó, các bộ, tỉnh căn cứ vào Chỉ số CCHC được phê duyệt tại Quyết định này, xây dựng và đưa vào triển khai Chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ của bộ, tỉnh phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá CCHC đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, tỉnh để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác theo dõi, đánh giá CCHC.
NHẬT ANH