Đồng Tháp

Những kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính năm 2022

Cập nhật ngày: 29/12/2022 17:42:53

ĐTO - Năm 2022, UBND tỉnh và các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trên tất cả các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC đề ra. Trong triển khai nhiệm vụ CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, các cấp xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh địa phương: “Nghĩa tình - Năng động - Sáng tạo”; xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, gần dân, sát dân, củng cố niềm tin, hướng đến sự hài lòng cao nhất của người dân, doanh nghiệp.


UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai những nội dung hợp tác mới giữa tỉnh và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam

Qua đó, công tác CCHC của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC). Năm 2022, tổng số lượng TTHC thuộc thẩm quyền quản lý, theo dõi của tỉnh là trên 1.900, trong đó, cấp tỉnh gần 1.430 thủ tục, cấp huyện hơn 340 thủ tục, cấp xã hơn 140 thủ tục. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được kiện toàn và khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua các đợt kiểm tra kiểm soát TTHC và kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Tỉnh tiếp tục vận hành phần mềm một cửa điện tử mới tại các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, kết nối hệ thống thông tin điện tử 3 cấp chính quyền về kết quả giải quyết TTHC; nâng cấp Cổng Dịch vụ công của tỉnh để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được bảo đảm phục vụ tổ chức và công dân, phần mềm một cửa điện tử thường xuyên được nâng cấp và khắc phục các lỗi phát sinh; nhân sự được củng cố, kiện toàn; cơ chế phối hợp, chế độ hỗ trợ cho công chức, viên chức và người lao động được thực hiện bảo đảm đúng quy định.


UBND Phường 2, TP Cao Lãnh thực hiện mô hình Quản lý dữ liệu của công dân phục vụ công tác cải cách hành chính

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, thực hiện hoàn thiện chức năng ký số kết quả giải quyết TTHC của Hệ thống thông tin một cửa điện tử, bảo đảm 100% TTHC có kết quả đầu ra được cấu hình ký số; hoàn thành cung cấp chứng thư số cho 100% lãnh đạo, 100% chứng thư số tổ chức cho cơ quan hành chính nhà nước có tiếp nhận và giải quyết TTHC; triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính các cấp. Đồng thời tích hợp, chia sẻ dữ liệu có sẵn từ các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh để tạo lập cơ sở dữ liệu kết quả giải quyết TTHC; đẩy nhanh việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để tái sử dụng thông tin cá nhân thực hiện giải quyết TTHC đối với các thông tin liên quan mà không phải nộp lại các giấy tờ kèm theo về hộ tịch.

Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC tại các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,24%; tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,19%; tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp xã tiếp nhận được giải quyết đúng hạn, đạt 99,05%. Việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo đúng quy định về tổ chức đánh giá việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh.


UBND thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười thực hiện mô hình “5 trong 1” trả giấy xác nhận khuyết tật, trợ cấp xã hội tại nhà người dân (Ảnh: D.Út)

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới trong xây dựng chính quyền thân thiện, có tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, mang lại nhiều kết quả khả quan. Tỉnh đã tập trung thực hiện các mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC như: Vận hành Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết TTHC lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ ứng dụng e-ĐồngTháp đến Tổng đài 1022 và đánh giá sự hài lòng của người dân qua kết quả phản hồi các phản ảnh, kiến nghị từ Tổng đài 1022; hoàn thiện các kênh tra cứu tiến độ hồ sơ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân, tổ chức biết, sử dụng.

UBND tỉnh tiến hành sơ kết Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh và ban hành Quyết định chính thức thực hiện việc giao cho Bưu điện tỉnh Đồng Tháp đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai những nội dung hợp tác mới giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam...

Ngoài ra, tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện các sáng kiến, mô hình, cách làm hay trong công tác CCHC. Điển hình, huyện Hồng Ngự triển khai thí điểm tại xã Thường Phước 1 mô hình mới: “Tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ đăng ký sim chính chủ cho người dân kết hợp trả kết quả qua bưu chính công ích tại các nhà văn hóa khóm, ấp”. TP Hồng Ngự thực hiện mô hình tiếp nhận thông tin phản ánh qua ứng dụng TPHồngNgựSmart và Tổng đài trí tuệ nhân tạo 19008996 (IOC); mô hình Ly trà đối thoại; hỗ trợ viết (đánh máy) hồ sơ cho công dân không thu phí. Huyện Tân Hồng thực hiện mô hình mới “2 trong 1” áp dụng đối với thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân gắn với chuyển hộ khẩu và đăng ký kết hôn gắn với đăng ký thường trú.

Huyện Tam Nông triển khai thực hiện các mô hình mới như: “Ngày không hẹn” tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả xã Phú Đức; “Hỗ trợ người dân thay đổi thông tin chính chủ cho thuê bao di động”. Huyện Thanh Bình thực hiện mô hình Chuyển đổi vị trí Phó Chủ tịch UBND cấp xã năm 2022; thành lập mô hình thanh niên “Hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến” năm 2022 của xã Tân Quới. Huyện Tháp Mười thực hiện mô hình “5 trong 1” đối với thủ tục xác định, xác định lại mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật và thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng; mô hình Phòng họp không giấy. Huyện Châu Thành thực hiện mô hình Soạn dự thảo hợp đồng, văn bản giúp cho người dân khi có nhu cầu lập hồ sơ TTHC của UBND xã Tân Phú; mô hình Đến tận nhà dân nhận hồ sơ lập thủ tục xét chế độ khuyết tật và chế độ cho người nuôi dưỡng người khuyết tật, bệnh tật của UBND xã Tân Nhuận Đông.


Nhân viên đang vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh  IOC TP Cao Lãnh (Ảnh: D.Út)

TP Cao Lãnh thực hiện mô hình “Công an TP Cao Lãnh hướng về cơ sở trong công tác giải quyết TTHC” của Công an thành phố; mô hình “Quản lý dữ liệu của công dân phục vụ công tác CCHC” của UBND Phường 2. Huyện Lai Vung thực hiện mô hình “Thu học phí và các khoản thu khác bằng phương thức không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục”. Huyện Lấp Vò thực hiện các mô hình như: “Hỗ trợ giải quyết TTHC tại nhà”; “Ngày thứ Năm không hẹn”. Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện mô hình “Mỗi tuần một ngày đồng hành cùng người dân tại bộ phận một cửa”. Sở Y tế thực hiện mô hình “Bệnh án điện tử ngoại trú tại Trạm y tế xã”...

Qua những mô hình mới được triển khai thực hiện trong năm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thể hiện quyết tâm và mong muốn của tỉnh cũng như các ngành, các cấp trong việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nhất là xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, công khai, minh bạch đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn