Quan tâm khắc phục sai sót để cải cách hành chính đạt hiệu quả
Cập nhật ngày: 30/03/2016 12:28:42
Đầu tháng 3/2016, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Đồng Tháp đã đến kiểm tra việc triển khai công tác CCHC ở 4 huyện phía Nam sông Tiền của tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, ở một vài địa phương cấp cơ sở vẫn còn xem nhẹ công tác CCHC.
Đoàn kiểm tra CCHC tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra việc triển khai công tác CCHC ở huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và TP.Sa Đéc. Nhìn chung, UBND các huyện đã xác định được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác CCHC góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên đã triển khai thực hiện CCHC theo các nội dung, nhiệm vụ Kế hoạch CCHC của tỉnh đã đề ra, đồng thời ban hành kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2016 ở địa phương mình.
Việc triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được thực hiện tốt. Qua đó, từng bước loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho dân, đồng thời bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và sự công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính của cán bộ, công chức trên địa bàn.
So với trước đây, hiện nay các huyện đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC. Cán bộ, công chức một cửa của các xã được trang bị máy tính để phục vụ giải quyết TTHC. Công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có thái độ phục vụ thân thiện với người dân. Tại huyện Lấp Vò, số điện thoại của Chủ tịch UBND huyện, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND huyện được công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để người dân kiến nghị, phản ánh khi cần thiết.
Cùng với kết quả đạt được, việc triển khai công tác CCHC ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, kế hoạch CCHC và kế hoạch kiểm soát TTHC ở một vài địa phương vẫn chưa xác định được nhiệm vụ cụ thể hoặc chưa hợp lý theo thẩm quyền. Nhiều địa phương cấp cơ sở vẫn còn tâm lý xem nhẹ việc thực hiện CCHC. Qua thực tế tại xã Định An, Đoàn kiểm tra CCHC phát hiện kế hoạch CCHC ở địa phương được ban hành còn mang tính chất đối phó.
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là giải pháp đổi mới về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, qua đó nhằm đơn giản hóa các TTHC, giảm phiền hà cho người dân và tạo sự phối hợp tốt trong giải quyết các TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế ở không ít địa phương công tác triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông vẫn còn mang tính khái quát hoặc chưa phù hợp; ban hành quy chế phối hợp giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa chưa đúng theo quy định.
Mặt khác, một số mô hình điển hình về CCHC thời gian qua đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau các địa phương đã chưa triển khai thực hiện. Điển hình, qua kiểm tra ở xã Định An, huyện Lấp Vò vẫn chưa thực hiện mô hình tiếp xúc, đối thoại với công dân; chưa thực hiện thư xin lỗi, thư chúc mừng, thư chia buồn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thực tế, việc triển khai thực hiện TTHC ở nhiều nơi được kiểm tra vẫn còn nhiều sai sót. Việc giao nhận, giải quyết hồ sơ của người dân chưa đúng theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Đoàn kiểm tra CCHC tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Để công tác CCHC trên địa bàn tốt hơn, trong thời gian tới, lãnh đạo các địa phương cần có văn bản chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế đã phát hiện. Cần xây dựng kế hoạch kiểm soát TTHC sát với thực tế và thẩm quyền. Quan tâm đưa đầy đủ các lĩnh vực theo quy định vào cơ chế một cửa và xây dựng quy trình giải quyết công việc theo cơ chế một cửa liên thông thuộc thẩm quyền cấp huyện. Các Sở Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính cần tập huấn về công tác chuyên môn đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, công chức cấp xã về quy định, thủ tục, trình tự giải quyết các công việc thuộc ngành quản lý nhằm hạn chế tối đa những sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ”.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, để việc triển khai CCHC đạt kết quả, các huyện cần chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Ngoài ra, các địa phương cũng cần nghiêm túc thực hiện việc gửi thư xin lỗi khi để xảy ra sai sót trong giải quyết TTHC. Tổ chức thực hiện mô hình chính quyền tiếp xúc, đối thoại với người dân, thực hiện thư chúc mừng, thư chia buồn đối với người dân theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thực hiện CCHC được xem là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Trong quá trình triển khai, các địa phương cần rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế thiếu sót nhằm giúp cho công tác CCHC đạt hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội.
Phú Thuận