Kỹ thuật Phục hồi chức năng cho người bị nhiễm COVID-19 đối với người bệnh thể nặng hoặc nguy kịch
Cập nhật ngày: 24/04/2020 18:21:51
ĐTO - Theo hướng dẫn phục hồi chức năng (PHCN) bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (Covid-19) của Bộ Y tế, Mục đích của phục hồi chức năng cho người bị nhiễm COVID-19 đối với người bệnh thể nặng hoặc nguy kịch: tống đờm, chất tiết từ đường hô hấp ra ngoài, làm tăng hông khí, dễ thở, đề phòng các biến chứng loét da, biến chứng suy hô hấp, tim mạch và các cơ quan khác.
Lượng giá chức năng: Trước và sau khi thực hiện các kỹ thuật PHCN người điều trị thực hiện lượng giá tình trạng cơ thể, tri giác nhận thức, khả năng vận động, tình trạng da, tình trạng hô hấp, tim mạch và tình trạng các cơ quan khác để lựa chọn kỹ thuật và phương pháp PHCN thích hợp, cũng như nhận biết các lưu ý khi thực hiện kỹ thuật PHCN.
PHCN theo triệu chứng cho người bệnh thể nặng hoặc nguy kịch
- Ho khan: Không kiến nghị thực hiện PHCN hô hấp.
- Mệt mỏi: khuyến khích thay đổi tư thế 2 giờ 1 lần, ưu tiên nằm tư thế fowler.
- Giảm thể tích phổi và xẹp phổi: nằm nghiêng phần phổi xẹp lên trên, thở cơ hoành nếu có thể.
- Thiếu oxy máu: cung cấp đủ oxy, nếu SpO2 ≤ 88% dừng tập PHCN
- Thở nhanh và khó thở: thư giãn sau đó tập thở chúm môi kết hợp thở cơ hoành.
- Khó khạc đờm: đảm bảo uống đủ nước, đặt tư thế dẫn lưu thích hợp, ho khạc đờm nếu có thể.
- Giảm khả năng vận động và sức chịu đựng: người bệnh nằm liệt giường có thể chủ động hoạt động chân tay hoặc có trợ giúp tại giường. Bệnh nhân không bị liệt đi bộ tại chỗ hoặc đi lại xung quanh giường.
-Tổn thương chức năng của cơ lưng: nằm nghiêng, kê đầu thấp.
- Tụ máu: người bệnh bị liệt có thể hướng dẫn hoạt động các khớp hoặc sử dụng tất đàn hồi để tránh phát sinh tụ máu trong các mạch máu ở các chi.
Chỉ định PHCN đối với người bệnh thể nặng hoặc nguy kịch nhưng vẫn tỉnh và tự thực hiện các kỹ thuật theo hướng dẫn
Người bệnh tự thực hiện một số kỹ thuật tại chỗ theo hướng dẫn của video, tờ rơi dưới sự giám sát của nhân viên y tế hoặc hướng dẫn của người điều trị đứng cách xa trên 2 mét thực hiện các động tác. Các kỹ thuật bao gồm:
+ Tập vận động chủ động: Vận động chủ động tay chân, co duỗi tay, co duỗi chân, nâng tay, nâng chân, nâng mông, thực hiện mỗi động tác 8-12 lần hoặc nhiều hơn tùy theo khả năng.
+ Người bệnh tự lăn trở 2h/lần, tự kiểm tra vùng da hay bị đè ép.
+ Tập thở cơ hoành, tập thổi vào bình nước to hoặc dụng cụ tập hô hấp
+ Tập ho hữu hiệu (điều dưỡng chuẩn bị sẵn dụng cụ đựng đờm, chất tiết của người bệnh). Nếu người bệnh tỉnh nhưng yếu để thực hiện động tác, cần người điều trị trợ giúp một phần để người bệnh thực hiện các kỹ thuật đó.
+ Tư vấn tâm lý: Những người bệnh thể nặng thường có biểu hiện lo lắng, trầm cảm, căng thẳng tâm lý kéo dài…Nhân viên y tế nếu phát hiện các vấn đề tâm lý của người bệnh có thể sử dụng các kiến thức về chuyên môn, kinh nghiệm của mình để tư vấn cho người bệnh. Nếu các vấn đề tâm lý của người bệnh càng ngày càng trầm trọng có thể mời các bác sỹ chuyên ngành sức khỏe tâm thần.
+ Người điều trị theo dõi, ghi hồ sơ bệnh án kết quả thực hiện, các thận trọng và lưu ý khi thực hiện kỹ thuật đối với người có bệnh kèm theo hoặc người cao tuổi.
CT-XH (TH)