Xử lý các trường hợp bệnh, nghi ngờ bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế

Cập nhật ngày: 03/05/2020 14:50:42

ĐTO - Theo tài liệu "Hướng dẫn cơ bản trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19)" của Bộ Y tế, việc xử lý các trường hợp bệnh, nghi ngờ bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế được thực hiện như sau:

Các nguyên tắc xử lý ca bệnh

  • Phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
  • Cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng - nguy kịch: suy hô hấp, sốc nhiễm trùng.
  • Có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép.
  • Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
  • Với các bệnh nhân có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường… cần điều trị tốt các bệnh lý nền của bệnh nhân.
  • Nếu có phụ nữ mang thai trong khu cách ly, cần có bác sĩ sản khoa sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu.
  • Hiện tại, chưa có thuốc kháng virus nào được FDA Mỹ cấp phép để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.


Phân luồng cho bệnh viện có một cổng

Tổ chức và thu dung cách ly tại cơ sở y tế

    • Vùng nguy cơ cao (màu đỏ) là những khoa chịu trách nhiệm thu dung điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 (ví dụ: khu cách ly; khoa Khám bệnh; khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, bộ phận xét nghiệm...)
    • Vùng nguy cơ trung bình (màu vàng) là những khoa tiếp nhận người bệnh ho sốt (Ví dụ: buồng khám người bệnh ho sốt khoa Khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa Hô hấp, khoa Nhi).
    • Vùng nguy cơ thấp (màu xanh) là những khoa ít có khả năng   tiếp nhận khám và điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 (Ví dụ: khoa Ngoại, Sản...).


Phân luồng cho bệnh viện có
hai cổng

Nhiệm vụ của cán bộ y tế và nhân viên cơ sở cách ly điều trị Covid-19

  • Tổ chức tiếp đón, lập danh sách người được đưa đến cách ly, ghi nhận thông tin về địa chỉ gia đình, nơi lưu trú, số điện thoại cá nhân; tên người và số điện thoại liên hệ khi cần thiết.
  • Thông báo yêu cầu, mục đích, thời gian của việc cách ly cho người được cách ly, giải thích tạo sự đồng thuận, tình nguyện thực hiện cách ly.
  • Sắp xếp người được cách ly vào phòng cách ly, tốt nhất mỗi người một phòng; trong trường hợp phải cách ly theo nhóm, tốt nhất các giường cách ly phải đặt cách nhau tối thiểu 1 mét trở lên.
  • Phát tờ rơi khuyến cáo phòng bệnh và hướng dẫn người được cách ly các biện pháp tự phòng bệnh và phòng lây nhiễm cho người khác, bao gồm: cách sử dụng và tự đo thân nhiệt ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày, tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; thông báo cho cán bộ y tế ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.
  • Hướng dẫn người được cách ly thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh; đối với các rác thải sinh hoạt khác, thu gom vào các thùng đựng rác thải thông thường.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe và đo thân nhiệt người được cách ly ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày. Ghi nhận kết quả vào mẫu theo dõi sức khoẻ của người được cách ly.
  • Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống lây nhiễm cho cán bộ y tế theo quy định của Bộ Y tế khi tiếp xúc với người được cách ly.

Thông báo cho người được cách ly về việc sẽ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 để phân loại người được cách ly, trong đó nêu rõ: người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được chuyển đến cơ sở y tế để quản lý, điều trị, cách ly theo đúng quy định; người có kết quả xét nghiệm âm tính không có nghĩa là đã loại  trừ nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn cần phải tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú theo quy định cho tới khi đủ 14 ngày theo quy định.

  • Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc SARS-CoV-2 cho đối tượng cách ly. Đối tượng cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được chuyển đến cơ sở y tế để quản lý, điều trị, cách ly theo đúng quy định; đối tượng cách ly có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú cho đến khi đủ 14 ngày theo quy định.
  • Báo cáo ngay cho người phụ trách cơ sở cách ly, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có đối tượng cách ly có triệu chứng sốt, ho, khó thở trong quá trình cách ly. Có biện pháp chuyển những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở đến cơ sở y tế để được quản lý, điều trị và cách ly theo quy định.
  • Báo cáo kết quả theo dõi hàng ngày cho Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  • Ứng xử tận tình, chia sẻ, động viên và giúp đỡ người được cách ly khi thực hiện nhiệm vụ tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng và cộng tác cho người được cách ly trong suốt quá trình theo dõi.

CT-XH (TH)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn