Cải cách hành chính: Cần có sự quan tâm của người đứng đầu

Cập nhật ngày: 03/02/2023 19:23:46

ĐTO - Chiều ngày 3/2/2023, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ họp phiên thứ ba dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng BCĐ để đánh giá tình hình thực hiện công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại 63 địa phương có lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực hiệu quả của BCĐ và các thành viên, công tác CCHC năm 2022 có nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật; 6 nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định; các bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 131 nghị định. Cả nước đã tổ chức 549.271 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp; phát miễn phí hơn 62 triệu bản tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 24 bộ, cơ quan. Kết quả sau sắp xếp: giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 145 Vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ.

Tại địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được thúc đẩy mạnh mẽ: năm 2022, cả nước đã ban hành gần 3.400 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1000 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 TTHC trong quản lý nhà nước; đồng thời phân cấp thẩm quyền giải quyết gần 700 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đến nay đã có 53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử chỉ đạt hơn 10%, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt gần 36%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC đúng hạn tại các bộ, ngành và ba cấp tại các địa phương đều đạt trên 99%.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong công tác CCHC, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của người đứng đầu thì mới đạt được hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả trong CCHC năm 2023, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tập trung đẩy mạnh CCHC, với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết, kỹ cương - bản lĩnh, linh hoạt - đổi mới sáng tạo - kịp thời, hiệu quả". Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, phương tiện, con người để nâng cao hiệu quả trong công tác CCHC. Đồng thời trong triển khai các nhiệm vụ CCHC, các địa phương, đơn vị cần xác định việc làm trọng tâm, trọng điểm, thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ với nhau.

KN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn