Đồng Tháp Mười - Căn cứ địa huyền thoại của nhân dân chống xâm lược
Đồng Tháp Mười - Căn cứ địa kháng chiến giữa lòng dân
Cập nhật ngày: 20/12/2013 04:33:08
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945, Đồng Tháp Mười trở thành chiến khu huyền thoại, là “Việt Bắc của miền Nam”, là “mồ chôn giặc Pháp”. Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2013), Báo Đồng Tháp tổng hợp những sự kiện lịch sử quan trọng có tác dụng quyết định sự thành bại của cục diện chiến trường tại căn cứ địa huyền thoại Đồng Tháp Mười.
Hơn 60 năm trước đây, đối với cán bộ chiến sĩ ta, những tiếng “về Đồng Tháp Mười” có ý nghĩa thiêng liêng giống như 2 chữ “về R” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến khu Bắc Tây Ninh. “Về Đồng Tháp Mười” là được đặt chân lên vùng “đất thánh cách mạng”, được về với “Thủ đô kháng chiến giữa bưng biền”.
Với đầu những năm 1950 trong các bài giảng ở trường Trường Chinh, đồng chí Lê Duẩn đã xác định tư duy lý luận về quân sự của Xứ ủy Nam bộ trong việc xây dựng căn cứ địa. Đồng chí viết: “Muốn lập căn cứ địa không phải chỉ nhờ ở điều kiện địa thế hiểm trở của rừng sâu, núi lớn... Căn cứ địa có thể thành lập được ở nhiều nơi - căn cứ địa ở miền đồng bằng, căn cứ địa miền ao hồ, căn cứ địa miền rừng. Nhưng căn cứ địa phải được chọn ở nơi tiến ra có thể tấn công được, rút lui có thể thủ (cầm cự được). Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đã từng chỉ rõ: “Trong thời kỳ Trung Hoa kháng Nhật, căn cứ địa của họ rộng mênh mông nối dài từ Trùng Khánh đến Vân Nam, Tứ Xuyên... Còn trong cuộc kháng chiến chống Pháp của ta, hậu phương an toàn có thể nói là không có, hay là có ở ngay giữa dân chúng, gắn sát với mặt trận chính”.
Sau hội nghị Xứ ủy lâm thời mở rộng vào cuối năm 1946, các cơ quan quân - dân - chính - Đảng cấp Nam bộ đều quy tụ về đóng tại căn cứ địa Đồng Tháp Mười. Do tính chất đặc thù của chiến trường ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long nên đơn vị bộ đội và cơ quan đều trú đóng trong nhà dân và thường di chuyển nơi cư trú để phòng gian bảo mật, đảm bảo sự an toàn. Vì vậy địa điểm trú đóng không được xác lập cố định như ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hay như vùng Mã Đà và chiến khu Bắc Tây Ninh trong 20 năm chống Mỹ. Đặc điểm nổi bật của căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười là được xây dựng và củng cố vững chắc giữa lòng dân, trong sự gắn bó keo sơn của mối tình quân dân cả nước.
Trải qua 4 năm được thiết lập (1946-1949), tại căn cứ Đồng Tháp Mười đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, có tác dụng quyết định sự thành bại của cục diện chiến trường: Trước hết, cuộc Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam bộ lần thứ nhất vào cuối năm 1947. Nội dung nghị quyết của Đại hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Thành công lớn nhất của Đại hội là tạo được sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Hai là, tác dụng to lớn của Chỉ thị 4/NV do Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ ban hành nhằm thu hút trí thức đô thị hướng về bưng biền tham gia kháng chiến, đã dấy lên cuộc chuyển động cách mạng. Hơn 6.000 viên chức và 1.000 thợ thuyền chuyên môn đã rời bỏ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và các đô thị bị tạm chiếm, bất hợp tác với giặc, thoát ly gia đình đi kháng chiến. Trong số quan chức cao cấp và tầng lớp trí thức có uy tín lớn, nổi bật tấm gương của nhiều vị như: Đốc phủ sứ Phan Văn Chương - Đô trưởng thành phố Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng... Ba là, sự chi viện của Trung ương qua phái Đoàn của Đảng và Chính phủ được cử vào chiến khu Đồng Tháp Mười (năm 1949) do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng đoàn, đã góp phần đẩy mạnh toàn diện cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ.
Dũng Chinh
(tổng hợp)