Giữ trọn tình quê

Cập nhật ngày: 27/10/2014 16:22:24

Do có vị trí chiến lược, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) được Đảng ta chọn làm một trong ba khu tập kết quan trọng tại Nam bộ vào năm 1954. Nhiều cán bộ, bộ đội và con em miền Nam tập kết ra Bắc được học tập, đào tạo nâng cao trình độ, xây dựng quân đội chính quy; tham gia xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, làm hậu thuẫn cho cách mạng miền Nam. Trong số đó, nhiều đồng chí quê ở Đồng Tháp đi tập kết đã trở về sát cánh cùng thành phần “ở lại” và nhân dân, tiếp tục cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng và góp phần xây dựng quê hương khi đất nước hòa bình.


Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang

Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang là một trong những đồng chí đi tập kết năm ấy. Ra Bắc, đồng chí được học văn hóa, rồi học ngoại ngữ ở Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Vì quê hương Đồng Tháp Mười là vựa lúa, vựa cá nên đồng chí xin không đi học ở nước ngoài mà chọn học ngành Kinh tế nông nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội. Năm 1965, đồng chí tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên Trường Thương nghiệp Trung ương. 3 năm sau, đồng chí được cử đi nghiên cứu sinh ở Bulgaria và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (sau gọi là tiến sĩ). Đầu năm 1975, đồng chí vui mừng khi có lệnh trở về quê hương miền Nam công tác. Giải phóng miền Nam, đồng chí tham gia tiếp quản Sài Gòn, sau đó được điều về làm Hiệu phó, kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Trung cấp ăn uống công cộng thành phố Hồ Chí Minh. Trở về quê hương giữ nhiều trọng trách quan trọng, đồng chí đã có những đóng góp cho sự phát triển tỉnh nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và khoa học, công nghệ, môi trường. Năm 1978, đồng chí về làm ở Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp, rồi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh.

Sau những năm tháng tập kết, học tập, chiến đấu với nhiều chiến công hiển hách, năm 1990 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Đại tá Nguyễn Văn Bảy nghỉ hưu trở về sống tại quê hương Lai Vung, Đồng Tháp với vai trò mới là một người nông dân thực thụ. Có mảnh vườn nhỏ, đồng chí tiến hành chăn nuôi và trồng trọt, vừa tăng thu nhập cho gia đình vừa tìm được niềm vui trong lao động. Ở tuổi 78 đồng chí khá khỏe mạnh và còn có những đóng góp cho địa phương. Với uy tín của mình, đồng chí Bảy đã vận động bạn bè ủng hộ rải đá chống lầy 1.000m đường nông thôn, kinh phí khoảng 170 triệu đồng; hỗ trợ tiền và vận động người dân đóng góp hơn 45 triệu đồng để kéo điện lưới quốc gia về sử dụng; tham gia nói chuyện cách mạng cho học sinh nghe, nhằm giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.


Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Bảy

Với vẻ ngoài của một người nông dân hiện tại song Đại tá Nguyễn Văn Bảy có một quá khứ vô cùng vẻ vang. AHLLVTND, Đại tá Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: Tập kết ra Bắc, đồng chí được tuyển chọn qua Liên Xô học lái máy bay. Sau 3 năm học thành thạo về máy bay chiến đấu, đồng chí trở về Việt Nam. Trong quá trình chiến đấu, Đại tá Bảy đã trực tiếp bắn rơi 7 máy bay, cùng đồng đội bắn hạ hơn 10 chiếc, được phong danh hiệu AHLLVTND Việt Nam. Trước khi nghỉ hưu, đồng chí đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân Việt Nam. Năm 1975, đồng chí được giao tiếp quản sân bay Cần Thơ, tham gia điều hành các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và làm nhiệm vụ tại Campuchia.


Đại tá Nguyễn Bình

Đại tá Nguyễn Bình đang ở phường 6, TP.Cao Lãnh cũng đã trưởng thành trong những tháng năm tập kết ra Bắc. Đồng chí được phân công làm chính trị viên Đại đội Công binh của Trung đoàn 2 miền Tây. Cuối năm 1956, đồng chí đi học khóa đào tạo cán bộ chính trị ở Trường Sĩ quan Lục quân. Sau 3 năm, đồng chí tốt nghiệp đạt loại ưu nên Bộ Quốc phòng điều động bổ sung về Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 chủ lực cơ động của Bộ Quốc phòng và được bổ nhiệm làm chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 5. Khoảng tháng 9/1961, đồng chí được điều động về T2 (thuộc Quân khu 8) để tổ chức cơ quan chính trị quân khu. Đồng chí Nguyễn Bình cùng với bao đồng chí, đồng đội lao vào chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau giải phóng, đồng chí về công tác tại Quân khu 9 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp. Năm 1990 đến 2003, đồng chí Nguyễn Bình làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (CCB) tỉnh. Đồng chí đã có đóng góp lớn trong những ngày đầu thành lập Hội CCB. Giờ đây đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Nguyễn Bình vẫn tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.


Đồng chí Mai Văn Vàng

Năm 1954, cũng như bao đồng chí, đồng đội và con em miền Nam, đồng chí Mai Văn Vàng tạm biệt người thân, gia đình và quê hương Đồng Tháp để tập kết ra Bắc. Đồng chí được điều về nông trường Ba Vì để làm kinh tế, tham gia chăn nuôi, sản xuất. Năm 1962, đồng chí thuộc diện được chọn đi B về miền Nam. Khi ngày lên đường đã được ấn định, tâm trạng đồng chí vui mừng khó tả vì được trở về miền Nam, được gặp lại gia đình, được trực tiếp cầm súng chiến đấu, điều mà phần lớn anh em ra Bắc đều mong mỏi. Sau năm 1975, đồng chí Vàng làm việc ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, rồi công tác ở Thị ủy Cao Lãnh, Hội CCB thị xã Cao Lãnh cho đến năm 1994. Dù tuổi cao nhưng đồng chí Mai Văn Vàng luôn quan tâm tình hình chính trị của đất nước; vận động người thân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong suốt thời gian tập kết ra Bắc, các đồng chí được sinh ra và lớn lên ở vùng đất sen hồng luôn giữ trọn tình quê. Hòa bình, thống nhất đất nước, nhiều đồng chí đã trở về miền Nam, về Đồng Tháp tiếp tục có những việc làm cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương. Đã 60 năm qua đi nhưng đến nay nhiều đồng chí vẫn không thể nào quên được những ngày tập kết tại Cao Lãnh sôi động, hào hùng. Và các đồng chí đã ra đi vinh quang đúng như lời hứa trước khi xuống tàu tập kết.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn