Góp ý Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992
Cần khẳng định vai trò, vị thế của Hội Liên hiệp phụ nữ
Cập nhật ngày: 20/03/2013 05:23:12
Thể hiện ý chí, nguyện vọng tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phần lớn chị em phụ nữ tỉnh nhà có chung nhận định: Dự thảo đã có nhiều điểm mới, ngắn gọn, súc tích, mang tầm khái quát cao và thể hiện tính nhân văn sâu sắc, kế thừa được nội dung của các bản Hiến pháp trước đó và đáp ứng xu thế phát triển của đất nước. Trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 4 Điều đề cập đến vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam.
Ở Điều 9 (sửa đổi, bổ sung điều 9) đa số đại biểu đề nghị nên giải thích cụ thể về các tổ chức chính trị xã hội bởi thực chất không phải người dân nào cũng biết tổ chức chính trị xã hội là gồm những tổ chức nào. Có nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Điều 9 Hiến pháp năm 1992 mới chỉ thể hiện rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chưa thể hiện rõ được vai trò, vị thế của Hội LHPN Việt Nam. Do đó, Hiến pháp lần này cần bổ sung quy định “Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; có quyền và trách nhiệm tham gia, xây dựng, đề xuất, phản biện, giám sát chính sách pháp luật và đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.
Ở Điều 39 (sửa đổi bổ sung Điều 64) có ý kiến đề nghị bổ sung thêm khoản 3 quy định về hôn nhân có yếu tố nước ngoài: Phải am hiểu ngôn ngữ và đảm bảo điều kiện cuộc sống sau hôn nhân. Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như Điều 64 Hiến pháp 1992, bởi vì dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bỏ khoản “Gia đình là tế bào của xã hội”. Thực tế cho thấy, gia đình luôn là nền tảng của xã hội và của đất nước. Nên muốn xây dựng xã hội, xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp không thể thiếu ý tố gia đình.
Có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm 1 khoản ở Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63), với các quy định cụ thể về nguyên tắc xác định vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của phụ nữ trong tái tạo nguồn nhân lực quốc gia; xác định quyền hưởng chế độ thai sản của phụ nữ phù hợp với lao động thực tế; xác định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội, nhà trường trong việc bảo đảm thiên chức người mẹ và bảo đảm cho trẻ em gái phát triển toàn diện để thực hiện tốt vị trí, vai trò của phụ nữ trong tương lai.
Ngoài ra, chị em cũng rất quan tâm đến Điều 4 (sửa đổi bổ sung Điều 4) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và đa số các ý kiến đều đồng tình với quan điểm của Hiến pháp là tiếp tục khẳng định quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Đặc biệt, điểm mới của Hiến pháp cũng được các tầng lớp phụ nữ quan tâm là việc quy định Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình, vấn đề đảng viên phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật cũng được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Quy định này phù hợp với thực tiễn của Đảng ta trong hơn 80 năm hình thành và phát triển cũng như trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.
Các tầng lớp phụ nữ Đồng Tháp mong muốn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, nhà trường và gia đình đối với gia đình, phụ nữ và trẻ em theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn để tránh nhận thức lệch lạc, hiểu không đúng hoặc ngộ nhận về bình đẳng giới, lúng túng trong việc thể hiện các quy định ưu tiên cũng như bảo vệ và bảo đảm cơ hội, điều kiện... cho phụ nữ trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và trong thực tế.
Kim Ngân
(Tổng hợp)