Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2021)
Kỳ cuối: Phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Cập nhật ngày: 29/10/2021 16:08:32
ĐTO - Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
>> Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)
>> Kỳ 2: Sự phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển
>> Kỳ 3: Sự phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển
>> Kỳ 4: Sự phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển
>> Kỳ 5:Truyền thống vẻ vang của Đường Hồ Chí Minh trên biển
Di tích K15, ki-lô-mét số 0 của Đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm xuất phát của những con tàu không số, (Đồ Sơn, TP Hải Phòng) Ảnh GDTĐ
Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
Một là, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Hai là, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng, an ninh, đối ngoại vùng biển và ven biển vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các vùng biển, đảo. Có chính sách thu hút, khuyến khích Nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Ba là, xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; nòng cốt là Hải quân Nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và lực lượng Kiểm ngư vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, trọng tâm là chi bộ và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo.
Bốn là, tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ Nhân dân làm ăn trên các vùng biển và ổn định đời sống Nhân dân trên các đảo. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các gia đình có thân nhân, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Năm là, quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là hoạt động đối ngoại quốc phòng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển. Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tham gia tốt các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển... nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh và phát triển kinh tế biển.
Sáu là, tiếp tục phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; chủ động, sáng tạo, cần kiệm lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.
Đ.D