Kỳ họp thứ 7 sẽ bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Cập nhật ngày: 19/05/2024 05:31:15

Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất bổ sung chương trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Chiều 18/5, tại Nhà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị giữa Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ. Đây là hội nghị thường kỳ giữa Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ để rà soát một số nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kỳ họp thứ 7 sẽ xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn với 42 nội dung về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đến nay, cơ bản tài liệu phục vụ kỳ họp đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu.

“Tại phiên họp thứ 33 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình kỳ họp 2 nội dung Chính phủ đề nghị, gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội”, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 27/6 (tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày). Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 là 17 ngày (từ ngày 20/5 đến 8/6) và đợt 2 là 9 ngày (từ ngày 17 đến 27/6).

Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp, các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ đánh giá công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện để tiến hành kỳ họp.

Hội nghị cũng cho ý kiến cụ thể về thời gian gửi hồ sơ tài liệu, việc bảo đảm các quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng đối với các nội dung Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện và đề xuất trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp.


Quang cảnh hội nghị (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của đất nước thời gian qua đã góp phần chứng minh điều này.

Về chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Thủ tướng nêu rõ, ngay sau kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ đã khẩn trương xem xét, báo cáo giải trình các nội dung trình Quốc hội. Nhận trách nhiệm về một số nội dung còn chậm tiến độ, đề xuất bổ sung sát kỳ họp, Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan đang khẩn trương hoàn thiện, Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất, bảo đảm nhanh nhất và chất lượng cao nhất để đề xuất Quốc hội bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của kỳ họp thứ 7, trong đó có công tác nhân sự, bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan triển khai nghiêm túc kết quả Hội nghị Trung ương 9, khóa XIII và phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với một số nội dung còn có phương án khác nhau trong dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, với 7 nội dung mới đang được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp, trên cơ sở ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ bảo đảm đúng quy trình theo quy định của pháp luật.

Trên tinh thần giải quyết kịp thời các vấn đề quan trọng, cấp bách của Quốc gia, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, vì mục tiêu kiến tạo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất bổ sung chương trình của Chính phủ, nhưng các nội dung này phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, các căn cứ và có đủ thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tổ chức thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn