Lực lượng Biệt động - những “cánh én” góp phần làm nên “mùa xuân” cho đất nước
Cập nhật ngày: 02/05/2019 04:59:31
ĐTO - Đúng 44 năm trước, TX.Cao Lãnh (nay là TP.Cao Lãnh) hoàn toàn giải phóng. Để đạt kết quả đó phải kể đến vai trò của các đồng chí thuộc lực lượng Biệt động và Biệt động mật học sinh (HS) TX.Cao Lãnh - những “cánh én” góp phần làm nên “mùa xuân” cho tỉnh nhà và đất nước.
Đại biểu vui mừng gặp lại nhau, chụp ảnh lưu niệm trong buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng Biệt động và 50 năm Biệt động mật học sinh TX.Cao Lãnh
Các đồng chí trong lực lượng Biệt động có tinh thần cách mạng tiến công, quả cảm, có thể độc lập tác chiến, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ đặc biệt, chấp nhận hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đồng chí Võ Hồng Nhân - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Liên lạc những người hoạt động kháng chiến của TX.Cao Lãnh cho biết: “Ở TX.Cao Lãnh, Ban cán sự Đảng thành lập từ tháng 7/1956. Do yêu cầu bảo vệ phong trào đấu tranh chống kìm kẹp của Mỹ - Diệm, tháng 1/1959, Đội Biệt động TX.Cao Lãnh ra đời (có 12 đồng chí) do đồng chí Nguyễn Văn Bạc làm đội trưởng. Tháng 8/1967, thành lập Đại đội Biệt động TX.Cao Lãnh”.
Theo Quyển sách “Tuổi Trẻ và sự nghiệp” tái bản lần thứ nhất (năm 2018) của Thành ủy Cao Lãnh, từ năm 1970 - 1975, nhân dân ta đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân du kích bằng phương pháp kết hợp “2 chân 3 mũi” giáp công. Lực lượng HS Cao Lãnh đã có quá trình tham gia đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Phong trào đấu tranh chính trị của HS TX.Cao Lãnh sớm hình thành đội tự vệ và đội hành động. Các đội này làm hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh chính trị của HS. Đầu xuân Mậu Thân năm 1968, trước yêu cầu của cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân - dân Cao Lãnh, đội tự vệ và đội hành động được phân công điều tra tình hình căn cứ, cứ điểm quân sự địch, diệt bọn ác ôn... Sau đợt tổng tấn công và nổi dậy, do bị lộ, Thị ủy Cao Lãnh quyết định chuyển lực lượng này bổ sung cho quân giải phóng các cơ quan tỉnh, đồng thời xây dựng và phát triển lực lượng mới.
Năm 1969, lực lượng vũ trang của HS Cao Lãnh lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Thị ủy Cao Lãnh chỉ thị cho Chi bộ HS đưa phong trào HS lên một bước mới là kết hợp đấu tranh chính trị trong và ngoài học đường với đấu tranh vũ trang. Lực lượng vũ trang HS phải mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động nhằm phối hợp với các lực lượng hợp pháp của Đảng phá rối hậu phương và ngay sào huyệt địch. Lúc bấy giờ, Thường vụ Tỉnh ủy Kiến Phong phân công một ủy viên Thường vụ trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh vũ trang của HS Cao Lãnh.
Tháng 2/1969, Đội Biệt động mật HS TX.Cao Lãnh được thành lập, chia thành 2 phân đội. Phân đội 1 có 6 đội viên do đồng chí Công Minh (Nguyễn Văn Tiên) phụ trách. Phân đội 2 do đồng chí Minh Ngọc (Nguyễn Ngọc Lợi) phụ trách, có 7 đội viên. Mỗi phân đội tổ chức theo đội hình: Lực lượng chiến đấu trực tiếp, lực lượng trinh sát, yểm trợ và bảo vệ. Với phương châm hoạt động “Táo bạo, bí mật, bất ngờ”, các phân đội Biệt động có nhiệm vụ phá rối, tấn công cơ quan đầu não và căn cứ quân sự địch, tiêu hao lực lượng địch bằng tấn công quân sự kết hợp với binh địch vận và đấu tranh chính trị. Biệt động mật HS TX.Cao Lãnh làm cho hậu phương và sào huyệt địch không ổn định, hỗ trợ đắc lực phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.
Dù còn rất trẻ nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, nhiều HS ở TX.Cao Lãnh sẵn sàng tham gia Biệt động mật HS. Đồng chí Trần Văn Kiệt (SN 1957) ngụ ấp An Hòa Nhì, xã Tân Bình, huyện Châu Thành chia sẻ: “Tôi tham gia lực lượng Biệt động mật HS TX.Cao Lãnh vào tháng 2/1971. Khi đó, tôi 14 tuổi, đang học lớp 7 của Trường Trung học Kiến Phong. Tôi tham gia đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng tôi và các đồng chí của mình có tinh thần trách nhiệm cao, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ do tổ chức giao”.
Sau khi thành lập không lâu, Đội Biệt động mật HS TX.Cao Lãnh mở màn bằng trận đánh tại quán ăn Á Đông và Tân Lợi - nơi bọn sĩ quan, cảnh sát, mật vụ, chiêu hồi thường đến ăn nhậu; tiêu diệt hàng chục tên. Trận đánh có tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng tại Cao Lãnh và tỉnh Kiến Phong. Biệt động HS Cao Lãnh đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ngay trong lòng địch. Những trận đánh ở quán ăn Tân Lợi, Á Đông hay ở quán Minh, khách sạn Phước Lộc, bãi tập ở chợ cũ Tân Thuận Tây... đã chứng tỏ rằng Biệt động HS Cao Lãnh là một lực lượng chủ động, bất ngờ tấn công táo bạo vào tận sào huyệt địch, làm cho chúng luôn lo sợ, phải co cụm lực lượng bảo vệ đầu não, khiến chúng không còn liên tục bung ra bình định lấn chiếm vùng nông thôn giải phóng của ta.
Năm tháng qua đi, nhưng những đóng góp của lực lượng Biệt động cho nền hòa bình, độc lập dân tộc vẫn được ghi nhớ, tri ân. Gần đây, Ban Thường vụ Thành ủy Cao Lãnh phối hợp Ban Liên lạc những người hoạt động kháng chiến TX.Cao Lãnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng Biệt động và 50 năm Biệt động mật HS TX.Cao Lãnh. Đồng chí Lê Ngọc Truyền - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cao Lãnh cho biết, buổi họp mặt nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của TX.Cao Lãnh trước đây và cũng là dịp để các cô, chú, anh, chị của lực lượng Biệt động gặp lại đồng đội, ôn lại những kỷ niệm trong thời kỳ kháng chiến, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của thành phố.
N.AN (ghi chép)