Người thương binh nặng lòng với sử quê hương

Cập nhật ngày: 02/09/2022 06:03:11

ĐTO - Không quản thân thể mang nhiều thương tật trong chiến tranh, ông Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (người dân thường gọi là bác Mười), dấn thân và theo đuổi đến tận cùng để làm sống lại và tạo ra sức sống mới cho nhiều sự thật lịch sử còn lẩn khuất dưới lớp bụi thời gian...


Ông Nguyễn Đắc Hiền bên mộ cụ Phan Văn Cử ở trung tâm TP Cao Lãnh (trong khu vực chợ Cao Lãnh). Ảnh chụp năm 2007. 
Ảnh: L.T

Hết lòng với sử quê hương

Nhà của bác Mười tọa lạc ở phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh là địa chỉ quen thuộc của cánh báo chí quan tâm đến lịch sử đất Đồng Tháp. Chỉ cần điện thoại thông báo là bác Mười sẵn sàng sắp xếp tiếp đón. Không chỉ nhiệt tình cung cấp thông tin, bác Mười còn mở rộng vấn đề báo chí đề cập. Bác Mười đã qua tuổi bát tuần (sinh năm 1938), lịch sử đã trở thành một phần của đời sống. Còn nhớ trước ngày kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, có phóng viên báo chí điện thoại hỏi thăm bác Mười về thân phận người chèo ghe đưa Bác Tôn đi công tác các tỉnh miền Tây vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược, bác Mười dành cả buổi sáng để soi rọi... Và cũng như những lần trước đó, bác Mười tâm sự chuyện lịch sử. Rồi như chợt nhớ ra điều quan trọng, bác Mười vào tủ sách lấy ra quyển “Đất và người Đồng Tháp” để khoe chuyện làm tượng đồng cho người Anh hùng Lực lượng vũ trang của tỉnh Đồng Tháp trong thời kỳ chống Pháp. Đó là Trung tá Võ Văn Mừng, sinh năm 1930, làng Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh), được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1956.

“Trong buổi dự lễ mừng xã Tân Thuận Tây đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao mới đây, có dịp trò chuyện và được lãnh đạo xã ủng hộ ý tưởng làm tượng đồng về đồng chí ngay tại nơi “chôn nhau cắt rốn”, tôi về nhà triển khai ngay” - bác Mười kể. Sau khi liên lạc với nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, được biết số tiền bức tượng đồng là 70 triệu đồng. Đang lúc lo lắng thì nhân dịp Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp, có dịp trò chuyện với đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, bác Mười trình bày và được đồng chí Phan Văn Thắng đồng tình ủng hộ. Sau đó, bác Mười lại lặn lội gặp lãnh đạo địa phương bàn bạc và thuyết phục đặt tượng trong khuôn viên Trung tâm Học tập cộng đồng của xã để vừa ấm áp, vừa tăng tính giáo dục con em địa phương. Bác Mười là vậy đó, với lịch sử là hết mình. Mỗi khi nghe tin gia đình chính sách, nhất là liệt sĩ, có hoàn cảnh khó khăn... đều tìm đến rồi “gõ cửa” cơ quan chức năng xem xét. Thậm chí đích thân bác Mười đã vận động con cháu trong họ đóng góp từng chiếc bàn để có nơi thờ tự liệt sĩ được đàng hoàng hơn.


Từ quá trình làm việc miệt mài của ông Nguyễn Đắc Hiền, mộ cụ Phan Văn Cử được di dời và xây dựng khang trang trong khuôn viên Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. 
Ảnh: L.T

Sưởi ấm mộ tiền nhân

Không chỉ hết lòng với những nhà cách mạng tiền bối, với đồng chí, đồng đội trong 2 cuộc cách mạng giải phóng đất nước, bác Mười còn dành tình cảm đặc biệt cho mồ mả các vị tiền nhân đến mức cánh báo chí đã đặt cho bác Mười biệt danh “chuyên gia giải cứu mộ xưa”. Là thương binh ¼, gởi lại chiến trường chống Mỹ một phần chân cùng nhiều thương tật khác, việc đi lại khó khăn, nhưng hễ có thông tin về mộ tiền nhân xuống cấp, hoang lạnh... là bác Mười đến tận nơi. Không chỉ ghi nhận thực tế, bác Mười còn dành nhiều tâm, sức cho việc “giải cứu” nhiều ngôi mộ xưa của các bậc tiền nhân có công với quê hương, đất nước có được cơ ngơi mới, khang trang, xứng đáng với tầm vóc lịch sử.... Mộ Tiền hiền Nguyễn Tú - người có công khai khẩn vùng đất TP Cao Lãnh ngày nay là điển hình. Sau khi phát hiện ngôi mộ hoang lạnh dưới chân cầu Đình Trung, bác Mười đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng. Sau hơn 10 năm kiên trì, cuối cùng, bác Mười đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dành vị trí đất đẹp tại phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh), đối diện Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh để xây dựng cơ ngơi xứng đáng với tầm vóc người khai mở vùng đất và phát huy giá trị giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trước đó, với tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, bác Mười cũng đã “giải cứu” mộ cụ Phan Văn Cử (1881 - 1917) nhà ái quốc, người có công lớn trong phong trào Đông Du từ chỗ “mắc kẹt” giữa chợ Cao Lãnh về an vị trong khuôn viên di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (TP Cao Lãnh) - người bạn lúc sinh thời của cụ Phan Văn Cử. Rồi bác Mười cũng đưa mộ ông Phòng Biểu (1830 - 1914) cận tướng của Thiên Hộ Dương (chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tây vùng Đồng Tháp Mười) bị thời gian tàn phá ở xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) vào an vị trong khu vực Đình Bình Hàng Trung, xứng đáng với công lao đã cống hiến cho quê hương, đất nước... Theo ước tính, gần 20 năm qua, bác Mười đã góp phần “giải cứu” cả chục ngôi mộ cổ như thế. Giờ đây ở tuổi 85, nhưng bác Mười vẫn đau đáu tìm cách xây dựng đàng hoàng hơn Đền và mộ Thống lãnh Nguyễn Văn Linh, tức Thống Linh (1815 - 1865) dũng tướng của Thiên Hộ Dương tọa lạc xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh) đang xuống cấp...


Ông Nguyễn Đắc Hiền bên bức ảnh của Trung tá Võ Văn Mừng - Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp thời kỳ chống Pháp. 
Ảnh: D.C

Đặt nền móng cho mai sau

Không chỉ dấn thân và tự nguyện gánh vác đến cuối đời, bác Mười còn thận trọng đặt nền móng “lịch sử quê hương” cho thế hệ mai sau. Mà trong đó, có nhiều việc bác Mười như người tiên phong trong phạm vi cả nước. Năm 1986, khi giữ vai trò lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đồng Tháp, bác Mười đã táo bạo hình thành bộ phận Nghiên cứu lịch sử dân tộc. Nói là táo bạo, vì toàn hệ thống Ban Tuyên giáo cả nước lúc bấy giờ chưa có bộ phận này một cách độc lập. Điều này không chỉ tạo nền cho những cây bút có tên tuổi trên diễn đàn khoa học lịch sử sau này như: Nguyễn Hữu Hiếu, Lê Kim Hoàng, Ngô Bé... mà còn là nền tảng để hoàn thành tác phẩm công phu đầu tiên tại Đồng Tháp về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 -1929) - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi bác Mười nghỉ hưu, bộ phận Nghiên cứu lịch sử dân tộc không được người kế nhiệm duy trì. Thương những cộng sự đã từng sát cánh và tiếc cho tương lai của việc nghiên cứu lịch sử dân tộc tại Đồng Tháp, bác Mười lại lặn lội xin phép thành lập tổ chức cho anh em hoạt động. Kết quả, năm 2000, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp ra đời. “Đây là tổ chức “4 không”: không trụ sở, không biên chế, không lương, không hoạt động phí... nên để hoạt động, tôi đi từng nơi xin từng món về tận dụng. Như phòng làm việc là sườn khung phòng mẫu giáo nông thôn đã không còn sử dụng, còn bàn ghế thì Tỉnh ủy một ít, Hội Văn học nghệ thuật một ít... vì thế, lúc đó, tụi tui nói vui với nhau là nội thất “liên hiệp quốc” - bác Mười nhớ lại. Xin nhiều nơi vẫn chưa đủ, nên bản thân bác Mười và các thành viên tự nguyện mang đồ dùng gia đình đến làm của chung. Rồi trong vai trò Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, hơn 10 năm, bác Mười đã hình thành và cho ra đời nhiều ấn phẩm giá trị như: Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay; Đất và người Đồng Tháp; Đồng Tháp nhân vật chí... Làm nhiều công việc, nhưng khi hỏi, bác Mười chỉ cười: “Đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để lại những mất mát khó gì bù đắp được, tôi thấy mình may mắn còn sống, nên tâm niệm làm được điều gì để bù đắp cho gia đình người đã nằm xuống thì cố làm. Đó không chỉ là tình cảm, mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn”.

Xin mượn lời của đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhận xét về bác Mười để kết thúc bài viết này như lời tri ân: “Cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đã gửi lại chiến trường một phần thân thể, rồi đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng của Đảng bộ, nay đã nghỉ hưu, nhưng đồng chí đã không chọn cho mình quyền an hưởng tuổi già bên gia đình và người thân mà tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí Nguyễn Đắc Hiền đã tiếp tục làm việc, nghiên cứu, biên soạn, viết bài, góp ý với nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt là đã có những đóng góp rất quan trọng trong lĩnh vực khoa học lịch sử, trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh nhà. Với những việc làm hết sức thiết thực và đầy ý nghĩa, chúng tôi không chỉ xem đồng chí là nhà cách mạng lão thành, bậc tiền bối, người thầy mà còn là tấm gương sáng cho mình và các thế hệ trẻ học tập, noi theo”.

TÙNG - CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn