Nhớ về Tuyên ngôn Độc lập
Cập nhật ngày: 31/08/2016 06:23:52
ĐTO - Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”, “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Internet
Trải qua gần 100 năm sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, sau đó là phát xít Nhật, khát vọng tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) và Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình sáng ngày 02/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Để bảo vệ quyền tự do, độc lập, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Dù mất mát, hy sinh to lớn, nhưng công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã thành công.
Cả dân tộc bước tiếp cuộc trường kỳ mới: khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, đưa đất nước tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa.
Từ một đất nước kiệt quệ, nghèo đói do chiến tranh tàn phá, mất tự do, độc lập bởi ngoại bang, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Đồng Tháp, trong bối cảnh chung cả nước đã có sự bứt phá, vươn lên. Nhiều đề án, dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã và đang được triển khai, đạt kết quả tích cực như xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch, giảm hộ nghèo, xây dựng đời sống và môi trường văn hóa, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài... cùng với đó là các chủ trương, giải pháp về xây dựng đảng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, bộ máy hành chính... Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư hoặc tìm cơ hội đầu tư. Diện mạo Đồng Tháp thay đổi hoàn toàn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Đồng Tháp với tỉnh Prây-Veng (Vương quốc Campuchia) ngày càng thắt chặt.
Mặc dù vậy, đất nước và Đồng Tháp vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.
Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rỏ: “Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút”.
Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, chào mừng Quốc khánh 2/9, không thể không nhớ đến tuyên bố đanh thép vẫn còn vang dội của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Tuyên ngôn Độc lập mãi là định hướng, nguồn cổ vũ, động viên nhân dân, cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy truyền thống dân tộc, những thành tựu đạt được, tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thử thách để đưa đất nước, địa phương tiến lên.
Nếu mỗi cán bộ, đảng viên kế thừa, phát huy nội dung, tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 2/9; khắc phục, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, lãng phí, biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn...; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ thì ngoại bang và các thế lực thù địch sẽ không có cơ hội tước lấy quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.
Hữu Ý