Ở hai nơi giải phóng vào ngày cuối tháng 4/1975

Cập nhật ngày: 29/04/2013 15:42:43

Qua 38 năm hoàn toàn giải phóng, thành phố Cao Lãnh (TPCL) và thị xã Sa Đéc (TXSĐ) luôn nỗ lực phấn đấu và có bước phát triển nhanh, vượt bậc, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, nổi bật là phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ.


Hoạt động của Tân cảng Sa Đéc. Ảnh: T.Phong

Ký ức ngày 30/4/1975 lịch sử

Sau khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tình hình địch rất hoảng loạn, có tốp bỏ chạy, tốp ra đầu hàng, bàn giao chính quyền cho quân đội giải phóng. Quân ta với tinh thần hồ hởi, dũng cảm, mưu trí, nắm bắt thời cơ, tấn công, nổi dậy giải phóng địa phương mình.

Tại thị xã Cao Lãnh, nơi quân giải phóng của ta tiếp quản đầu tiên là đồn Quế Ục (khu vực xã Mỹ Tân, TPCL ngày nay). Trưa ngày 30/4/1975, ta dựa vào gia đình quân ngụy để kêu gọi địch đầu hàng, địch trong tư thế thất thủ, toàn bộ đã bỏ súng xin hàng. Tại đây, ta bắt hơn 30 tên, thu giữ được 2 máy truyền tin PRC 25, ta buộc quân địch thông tin tuyên bố quân giải phóng đã tiếp quản đồn Quế Ục.

Khoảng 19 giờ ngày 30/4, các cánh quân của ta áp sát nội ô thị xã Cao Lãnh. Ta liên lạc cho Trung tá Thinh, trước đó đã được cơ sở của ta giác ngộ, ra lệnh cho Thinh đầu hàng và kêu gọi binh sĩ ngụy phải buông súng. Thinh tuyên bố đầu hàng, điện thoại cho tất cả các đơn vị địch ở địa bàn Cao Lãnh buông súng đầu hàng, giao chính quyền lại cho cách mạng. Theo kế hoạch đã xây dựng từ trước, cơ sở và lực lượng quần chúng tại chỗ nổi dậy tiếp quản một số cơ quan ngụy quân, ngụy quyền, treo cờ giải phóng. 20 giờ ngày 30/4/1975 quân cách mạng vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Cao Lãnh.

Ở thị xã Sa Đéc, ngay từ đầu năm 1975, Tỉnh ủy chỉ đạo Thị ủy Sa Đéc đưa cán bộ về bám địa bàn, xây dựng lực lượng. Nhờ đó, trước ngày 30/4, lực lượng vũ trang thị xã cùng cơ sở chính trị và binh vận đã quét sạch bọn địch ở Rạch Bần, tạo thế áp sát thị xã. Trong nội ô, quần chúng phát động nổi dậy áp đảo bọn đầu sỏ. 23 giờ ngày 30/4 tên Lê Khánh- Đại tá tiểu khu trưởng bỏ trốn. 7 giờ sáng ngày 1/5/1975 quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc.

Diện mạo mới của TXSĐ và TPCL

Khai thác lợi thế của địa phương, cấp ủy và chính quyền TXSĐ chú trọng phát triển công nghiệp. Từ đó, khu công nghiệp (KCN) Sa Đéc đi vào hoạt động từ năm 1998 đã tạo không khí sôi động và nhộn nhịp cho thị xã cũng như vùng kinh tế khu vực phía Nam sông Tiền. Với vị trí thuận lợi và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, KCN Sa Đéc đã nhanh chóng mời gọi được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

Đến nay, KCN này đã có trên 40 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 3.275 tỷ đồng và 30 triệu USD (tăng hơn 3 lần so với năm 2004), trong đó có 33 dự án đi vào hoạt động thường xuyên, giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động.

Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ở TXSĐ càng vượt bậc nhờ hệ thống cảng Tân cảng Sa Đéc mở rộng với tổng diện tích mặt bằng hơn 4ha, cầu tàu dài gần 70 mét, cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn. Cảng Sa Đéc là điểm kết nối trong chuỗi vận tải thủy từ Campuchia - đồng bằng sông Cửu Long -TPHCM-Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhờ có nhiều dự án, cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nên giá trị sản xuất công nghiệp của TXSĐ trong năm 2012 đạt trên 12.000 tỷ đồng (cao nhất so với các địa phương trong tỉnh).

Hiện tại, tốc độ phát triển kinh tế của TPCL năm sau cao hơn năm trước, trong đó thương mại và dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng của địa phương. Các cơ sở kinh tế ngày càng mở rộng cả qui mô, số lượng và đa dạng về hình thức kinh doanh. Đặc biệt, TPCL đã xúc tiến thực hiện các quy hoạch về phát triển hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, phát triển mạnh hệ thống giao thông, xây dựng các khu đô thị mới, các khu dịch vụ tập trung nhằm huy động nhiều nguồn lực đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của TPCL hiện nay.

Ngoài chợ Cao Lãnh giữ vai trò là chợ trung tâm thì TPCL cũng quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ vệ tinh như: chợ Mỹ Trà, Rạch Chanh, Trần Quốc Toản, Sáu Quốc, Thông Lưu, Tân Tịch, Tịnh Thới... đáp ứng nhu cầu mua sắm sinh hoạt của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân nông thôn có đời sống và sinh hoạt gần như thành thị.

Ngoài ra, các cơ sở thương mại-dịch vụ tư nhân của TPCL phát triển mạnh, hoạt động kinh doanh và cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân. Số doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể tăng nhanh về số lượng, vốn đầu tư đã đưa lĩnh vực thương mại-dịch vụ năm 2012 chiếm 63,92% trong cơ cấu kinh tế của TPCL, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 1.833 USD/người/năm (tương đương 40,6 triệu đồng/người/năm) cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

D.Chinh-K.Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn