Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc bầu Trưởng và Phó Trưởng ấp, khóm
Cập nhật ngày: 24/10/2016 13:35:20
ĐTO - Ngày 6/11 sắp tới, 586 ấp và 115 khóm trong tỉnh sẽ tổ chức bầu cử Trưởng, Phó Trưởng ấp, khóm, thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2016 - 2019. Phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn đồng chí Đặng Thị Mỹ Cẩm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương được tiến hành như thế nào? Vai trò của MTTQ các cấp được thể hiện ra sao?
.JPG)
Đồng chí Đặng Thị Mỹ Cẩm - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh
Đồng chí Đặng Thị Mỹ Cẩm (Đ/c Đ.T.M.C.): Cuộc bầu cử lần này được diễn ra đồng loạt vào cùng một thời gian trong toàn tỉnh (Chủ nhật, ngày 6/11/2016) với hình thức bỏ phiếu kín. Đến nay, UBND cấp huyện phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp xây dựng kế hoạch liên tịch và tổ chức triển khai thực hiện bầu cử. UBND cấp xã đã công bố ngày bầu cử; phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện bầu cử ở địa phương.
Ban Công tác mặt trận ấp, khóm phối hợp với các ngành liên quan đã và đang hoàn thành các bước của quy trình hiệp thương như: tổ chức hội nghị hiệp thương dự kiến danh sách người ứng cử; thảo luận tiêu chuẩn và danh sách những người ứng cử; ấn định danh sách chính thức những người ứng cử. UBND cấp xã chuẩn bị thành lập Tổ bầu cử; quyết định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử; thành phần cử tri tham gia bầu cử.
Trong công tác bầu cử Trưởng, Phó Trưởng ấp, khóm, MTTQ cấp cơ sở đảm nhận nhiều nhiệm vụ, quyền hạn như: phối hợp UBND cấp xã triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác bầu cử; tổ chức tuyên truyền, vận động cử tri tham gia bầu cử; tham gia các Tổ bầu cử và giám sát công tác bầu cử đảm bảo an toàn, tiết kiệm và đúng quy định pháp luật...
PV: Đợt bầu cử Trưởng và Phó Trưởng ấp, khóm, thành viên Ban Thanh tra nhân dân cấp xã có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Đ.T.M.C.: Cuộc bầu cử diễn ra trong năm nay là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa bàn dân cư theo quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; tạo điều kiện cải thiện, nâng cao tính hiệu quả về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Đây cũng là 1 trong 6 nội dung được đánh giá của chỉ số PAPI - Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, là công cụ đo lường và theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính Nhà nước của 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của người dân.
PV: Người ứng cử Trưởng, Phó Trưởng ấp, khóm, thành viên Ban Thanh tra nhân dân phải đạt những tiêu chuẩn nào?
Đ/c Đ.T.M.C.: Tại Điều 11, Chương III Thông tư số 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định Trưởng, Phó Trưởng ấp, khóm phải là người có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở ấp, khóm; đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác; phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương...
Tại Điều 3, Chương I Nghị định số 99/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định thành viên Ban Thanh tra nhân dân phải là người trung thực, công tâm, có uy tín, hiểu biết nhất định về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân.
Thành viên Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn phải là người thường trú tại xã, phường, thị trấn; không phải là người đương nhiệm trong Hội đồng nhân dân, UBND xã, phường, thị trấn; không phải là Trưởng hay Phó Trưởng ấp, khóm và những người đang đảm nhận nhiệm vụ tương đương.
Cuộc bầu cử lần này, tôi mong muốn người dân ở địa bàn khóm, ấp trong tỉnh hưởng ứng, tham gia đầy đủ và sáng suốt để gửi gắm lòng tin của mình vào lá phiếu chọn lựa ra người có “đủ đức, đủ tài”, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, cùng xây dựng một cộng đồng tự quản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
PV: Đợt bầu cử này, có bao nhiêu ấp, khóm thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp, khóm; Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng Ban công tác mặt trận ấp, khóm? Đồng chí có ý kiến gì về mô hình này?
Đ/c Đ.T.M.C.: Thực hiện theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng bộ xã, phường, thị trấn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTU ngày 17/10/2016 về thực hiện thí điểm mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ấp, khóm; Phó Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng Ban công tác mặt trận ấp, khóm. Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn chọn ít nhất 1 ấp, khóm thực hiện mô hình này trong nhiệm kỳ 2016 - 2019.
Theo tôi, thực hiện thí điểm mô hình này sẽ giúp cho cán bộ ở cơ sở có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tổ chức học tập, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên; xác định được những công việc trọng tâm, nhiệm vụ chính trị của ấp, khóm trong từng thời điểm; nắm chắc, sát tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chức danh này yêu cầu người cán bộ có đầy đủ kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản trong cộng đồng dân cư và nhiệm vụ cấp trên giao.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
N.AN (Thực hiện)