Sống chung với lũ khi lũ không về
Cập nhật ngày: 09/09/2016 15:03:18
ĐTO - Qua nhiều năm quan sát, ông bà ta đúc kết: “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” để chỉ ra qui luật tự nhiên: đến tháng bảy âm lịch, lũ về tràn đồng. Nay gần giữa tháng tám, mặc dù nước sông đang lên, nhưng không biết chừng nào lũ mới về như trước.
Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung hiền hòa, đem lại lợi ích không nhỏ cho sản xuất và đời sống người dân trong vùng (trừ những trận lũ lịch sử như năm 1978, 2000 gây thiệt hại lớn về người và của).
Lũ về, mang theo phù sa bồi đắp ruộng vườn cùng tôm cá, vệ sinh đồng ruộng; những ngành nghề truyền thống như đóng xuồng, đan lưới, làm lộp lờ vào mùa; giăng câu lưới, hái bông súng, bông điên điển có thêm thu nhập đáng kể. Dân thành thị tìm về khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa nước nổi.

Hái bông súng trong mùa lũ (Nguồn: NLĐO)
Lũ không về, đất bạc màu, năng suất cây trồng giảm, sâu rầy phát triển, đời sống của những người sống nhờ vào lũ bị ảnh hưởng không nhỏ, dịch vụ du lịch giảm sút.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân mực nước sông Cửu Long sụt giảm, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn diễn ra theo qui luật tự nhiên là do biến đổi khí hậu, hệ thống đập thủy điện, hồ chứa nước trên thượng nguồn, nước bị sử dụng phung phí...
Dù nguyên nhân gì, nông dân và người mưu sinh nhờ lũ ở Đồng Tháp vẫn mong những mùa lũ hiền hòa lại về hàng năm, đồng thời đa số đã và đang chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, ngành nghề phù hợp với tình hình; một số trăn trở, không biết trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì, cùng với nỗi lo nếu cùng sản xuất một sản phẩm để thích ứng với khô hạn, lũ không về sẽ dẫn đến cung vượt cầu.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp định hướng những ngành hàng chủ lực, giải pháp đầu vào, đầu ra, là một trong những cứu cánh của nông dân, cùng với đó mở ra cơ hội những người không không có đất, sống nhờ vào lũ chuyển sang ngành nghề khác, như làm dịch vụ cho các ngành hàng chủ lực. Nhưng cần có sự tham gia tích cực của nông dân với vai trò chủ thể của Đề án; các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có kế hoạch cụ thể, giải pháp khả thi đối với từng nhóm đối tượng.
Có lẽ đã đến lúc việc “sống chung với lũ” không chỉ với những trận lũ lớn như năm 2000 mà còn với lũ nhỏ, thậm chí lũ không về.
Hữu Ý