Tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa 2 nền kinh tế Việt Nam và Campuchia

Cập nhật ngày: 09/11/2022 05:34:13

Tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch… để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia 2022 tổ chức chiều 8/11 tại Thủ đô Phnom Penh.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp Hội đồng Phát triển và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng, thách thức cũng như cơ hội đầu tư kinh doanh. Qua diễn đàn, cơ quan chức năng tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh ở mỗi nước.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia cho biết đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có kế hoạch mở rộng đầu tư, trao đổi thương mại tại mỗi nước. Các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng về tương lai phát triển tốt đẹp của hai nước, cũng như các chính sách thúc đẩy đầu tư và thương mại Việt Nam-Campuchia.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp hai nước mong muốn các bộ, ngành, cơ quan của mỗi nước tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, nhất là đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, xây dựng, hạ tầng, dịch vụ thương mại, nhất là thương mại vùng biên... xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và với quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Campuchia giải đáp các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường, chính sách thu hút đầu tư của mỗi nước.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện, trong đó hợp tác về đầu tư, thương mại không ngừng phát triển và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Mặc dù tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến cả hai nước chúng ta nhưng qua báo cáo của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng vui mừng nhận thấy sự lạc quan và triển vọng trong hợp tác đầu tư, thương mại hai nước.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, cá nhân Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen và các bộ, ngành của Campuchia đã quan tâm và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, trong đó có những ý kiến đã nêu tại diễn đàn này, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng biểu dương và đánh giá cao doanh nghiệp hai nước về những nỗ lực vượt bậc trong khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách thời gian qua, đặc biệt là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng đánh giá cao và nhất trí với các ý kiến của các đại biểu tham dự Diễn đàn; đồng thời có một số ý kiến:

Thứ nhất, về chiến lược, cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch,… để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước; đồng thời chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; sớm rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực; xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước. Không chỉ kết nối hai nền kinh tế mà chúng ta nỗ lực để xây dựng các tuyến giao thông kết nối liên vùng, liên quốc gia, xây dựng xây dựng hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối Việt Nam - Lào - Campuchia.

Thứ hai, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh cao hơn trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, thực chất cơ chế hợp tác Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia; thúc đẩy việc triển khai các Thỏa thuận đã ký kết; tham mưu kịp thời, hiệu quả trong định hướng hợp tác cũng như xử lý hoặc phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030; khẩn trương hoàn thành Đề án “Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế”.

Thứ tư, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; chấp hành nghiêm pháp luật hai nước; đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng của hai nước.

Thứ năm, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Campuchia. Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, động lực mới trong hợp tác thương mại, đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Dịp này, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, một lần nữa Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam-Campuchia, trong đó có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam và vào Campuchia; Luật Đầu tư 2020 với các thủ tục, điều kiện ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và thông thoáng cho nhà đầu tư vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.

Quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia là tài sản vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan của Việt Nam tổ chức triển khai thật tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước.

Đồng thời, Thủ tướng cũng mong muốn phía Campuchia có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại trong thời gian tới.

Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia là tài sản vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ này “đơm hoa kết trái”; mỗi dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp hai nước không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần mà còn là nỗ lực đóng góp tích cực cho tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Campuchia.


Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ lâu đời, hữu nghị truyền thống, hợp tác tin cậy, phát triển mối quan hệ hợp tác dựa trên nguyên tắc tin cậy, ủng hộ lẫn nhau trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, đối ngoại, hợp tác song phương hai nước tiếp tục phát triển bền vững thông qua tăng trưởng của hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch. Trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau cả tinh thần, vật chất, trang thiết bị y tế…

Thủ tướng Hun Sen nêu rõ, lượng khách du lịch Việt Nam đến Campuchia đứng thứ hai, tăng gấp 3 lần so năm 2021. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Campuchia, nhất là nông nghiệp và viễn thông. Thủ tướng Hun Sen khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn nữa vào Campuchia vào các lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, chế biến, thực phẩm, chế tạo nhẹ.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao, giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh. Campuchia cũng phải chịu tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu, khủng hoảng, xung đột trên thế giới. Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đề ra các chính sách chiến lược và lộ trình nhằm tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của Campuchia trong thu hút đầu tư ngoài nước, tìm kiếm thêm các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại...

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhưng rõ ràng, mối quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia không bao giờ thay đổi. Đại dịch Covid-19 cũng tạo cho chúng ta cơ hội mới. Cho dù kinh tế toàn cầu có thay đổi khó lường, nhưng mối quan hệ đối tác giữa hai nước luôn tốt đẹp, luôn bổ trợ lẫn nhau.

Hai nước cũng nỗ lực tăng trưởng trở lại, thoát khỏi đại dịch. Thủ tướng Hun Sen cho biết ông đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của Campuchia xem xét các vấn đề liên quan chính sách thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở bảo đảm sự công bằng với các nhà đầu tư các nước ở Campuchia.

Tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhưng rõ ràng, mối quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia không bao giờ thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen

Nhân cơ hội này, Thủ tướng Hun Sen chúc mừng Việt Nam thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút các tập đoàn lớn của nước ngoài vào làm ăn; bày tỏ Campuchia mong muốn liên kết chuỗi sản xuất ô-tô và điện tử, nhất là đây là chiến lược và thế mạnh của Việt Nam; đồng thời hy vọng Campuchia sẽ nhận được các dự án đầu tư để tham gia chuỗi sản xuất, trong đó có sản xuất điện tử ở Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen nêu vấn đề hai nước cần tăng cường hơn nữa về đào tạo nguồn nhân lực. Hai nước cần tăng cường hợp tác song phương bằng cách phát triển cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm, thúc đẩy dòng chảy thương mại đầu tư.

Thủ tướng Hun Sen hy vọng Campuchia sẽ thúc đẩy dự án đường cao tốc nối đến biên giới với Việt Nam để tăng cường giao lưu hàng hóa. Hai nước cần tăng cường cơ sở hạ tầng tại hành lang kinh tế phía nam để thúc đẩy du lịch.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Thủ tướng Hun Sen hoan nghênh các quyết định sáng suốt của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Việt Nam lựa chọn Campuchia là điểm đến đầu tư tiềm năng; kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hãy sang tìm hiểu thêm về tiềm năng, cơ hội đầu tư thương mại tại đây. Thủ tướng Hun Sen cam kết với các doanh nghiệp về môi trường đầu tư thuận lợi về hoà bình, an ninh, chính trị, khuôn khổ pháp lý, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

* Nhân diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen chứng kiến Lễ trao tượng trưng xe khám, chữa bệnh của Tập đoàn THACO Agriculture tặng Hội Chữ thập đỏ Campuchia.

* Trước khi dự diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Hun Sen đã tham quan trưng bày ảnh giới thiệu đất nước, con người và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp thực hiện.

Theo THANH GIANG (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn