Tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới

Cập nhật ngày: 23/10/2015 14:35:23

Phát huy những kết quả đạt được, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Báo Đồng Tháp trích lược một số ý kiến thảo luận, tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Sở Công thương:

Giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, thu hút đầu tư

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 ước đạt 12,42%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 19,20%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11,53%/năm, thu hút đầu tư 61 dự án công nghiệp và 25 dự án thương mại (chợ, siêu thị). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành còn thấp so tiềm năng; hàm lượng công nghệ phần lớn sản phẩm công nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Việc thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được dự án lớn, công nghệ cao để tạo sự phát triển nhảy vọt của ngành. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế, điều kiện hạ tầng kết nối giao thông chưa đồng bộ, chưa có các cơ chế chính sách thật sự hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư...


Hoạt động của một cơ sở chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn tỉnh

Từ đó, Theo Sở Công thương đề xuất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, thu hút đầu tư trong thời gian tới là: Tập trung xác định các yếu tố chính có tác động đến phát triển ngành một cách trọng điểm. Xem xét việc tập trung nguồn trung hạn hóa kế hoạch đầu tư công một cách trọng điểm trong việc xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị nhằm tạo các trung tâm thu hút đầu tư và các hành lang giao lưu kinh tế nhằm dẫn luồng thu hút đầu tư. Chú trọng thu hút đầu tư hoặc đăng ký thường trú các doanh nghiệp đầu mối (có tính chi phối về thị trường và hệ thống phát triển công thương) dựa trên thế mạnh địa phương về nguyên liệu và thị trường đầu vào. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trọng điểm tại địa phương trong quá trình tái cấu trúc (phát triển hệ thống công ty con, sáp nhập, thay đổi cổ đông chiến lược, thay đổi hoặc đa dạng hóa ngành nghề... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Sở Giáo dục và Đào tạo:

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thời gian qua, chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh chuyển biến theo chiều hướng tích cực, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giữa thành thị và nông thôn trong tỉnh, giữa tỉnh nhà với các địa phương bạn có điều kiện phát triển cao hơn. Một số chỉ tiêu địa phương thực hiện vượt mặt bằng chung của khu vực như số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực đã giữ vững nhiều năm liền trong 3 đơn vị dẫn đầu khu vực, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng tăng cao qua từng năm học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh được xây dựng và phát triển theo hướng phấn đấu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hóa về đào tạo (đến tháng 8 năm 2015, tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo là trên 99%). Công tác xây dựng Đảng trong ngành được quan tâm, hiện nay 100% các trường học và cơ sở giáo dục đều có tổ chức cơ sở Đảng, trên 99% cán bộ quàn lý và 53,9% cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên.


Chất lượng giáo dục bậc phổ thông của tỉnh ngày được nâng cao

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề xuất tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục tham mưu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học mầm non và phổ thông theo hướng giảm dần các điểm nhỏ lẻ của tiểu học, mở rộng trường lớp mầm non, xây dựng các trường phổ thông song ngữ trọng điểm. Mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống trường lớp giáo dục nghề nghiệp và liên kết đào tạo để nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh theo Chỉ thị 10-CT/TW. Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cả đại trà và mũi nhọn một cách thực chất. Phấn đấu giữ vững vị trí trong 03 đơn vị dẫn đầu khối thi đua các Sở GDĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giáo dục với các địa phương khác. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

THÁP MƯỜI:

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ qua Đảng bộ và Nhân dân Tháp Mười đã không ngừng quyết tâm phấn đấu đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Đến nay, đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận đạt xã NTM vào cuối năm 2015 và 8/12 xã còn lại đạt từ 10-14 tiêu chí. Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh, đã và đang trở thành phong trào lan rộng, có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp của huyện Tháp Mười không ngừng phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao và đổi mới. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Người nông dân Tháp Mười đang ngày càng thể hiện vị trí trung tâm, vai trò chủ thể trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.


Chú trọng cơ giới hóa trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của huyện Tháp Mười trong thời gian tới là tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, liên kết, quyết tâm phấn đấu xây dựng đạt chuẩn "Huyện nông thôn mới" đến năm 2020. Do đó, trước mắt Tháp Mười đưa ra một số giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới như sau: Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng đắn của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể địa phương làm nòng cốt từ đó tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân hiểu và tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung tổ chức lại sản xuất các ngành hàng chủ lực (lúa gạo, cây sen, chăn nuôi, thủy sản). Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp theo qui hoạch, kế hoạch. Tập trung mọi nguồn lực phấn đấu đến năm 2020 huyện có thêm 05 xã nữa đạt chuẩn NTM thì , huyện Tháp Mười sẽ đạt chuẩn NTM vào năm 2020 như mục tiêu đề ra.

D.Chinh-N.An (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn