Thực hiện tốt công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn

Cập nhật ngày: 29/10/2016 06:29:51

ĐTO - Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tập trung chỉ đạo và quan tâm sâu sát đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là tài nguyên cát sông, vì đây là nguồn tài nguyên khoáng sản chủ yếu của tỉnh. Quá trình khai thác, sử dụng từng bước được chấn chỉnh đi vào nền nếp đúng theo quy định của pháp luật, đã tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có khoáng sản đất sét và than bùn đến nay chưa có tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác theo quy hoạch chung của tỉnh được phê duyệt.

Tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2020. Quy hoạch khoáng sản của tỉnh được phê duyệt năm 2009 nhưng trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi so với thực tế do cát sông là khoáng sản động, thường xuyên thay đổi theo dòng nước, do đó theo Quy định tại Điều 10 của Luật Khoáng sản năm 2010, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cho thực hiện Quy hoạch (điều chỉnh) thăm dò, khai thác khoáng sản năm 2015, phù hợp với chu kỳ quy hoạch 5 năm. Định kỳ hàng năm, các cơ quan có liên quan thành lập đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra về hoạt động khoáng sản đúng theo quy định của pháp luật, bình quân mỗi năm xử phạt vi phạm hành chính khoảng 131 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra đã kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hoạt động khoáng sản. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, đến nay đã hạn chế tình trạng bơm hút cát trái phép cũng như khai thác không phép diễn ra như thời gian trước năm 2012.

Để tránh sạt lở bờ sông, trong công tác cấp phép được chú ý tăng khoảng cách bờ lên 200m, thỏa thuận với các tỉnh lân cận không cấp phép trong phạm vi 50m kể từ đường ranh giới giữa 2 tỉnh. Đồng thời, nhằm tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quản lý, kiểm tra và xử lý sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông trên địa bàn tỉnh, đến nay quyết định trên vẫn đang được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở ưu tiên cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có năng lực quản lý, công nghệ hiện đại, hạn chế tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, kém hiệu quả, trong những năm qua, khối lượng khai thác cát được tăng lên đáng kể (từ 3,5 triệu m3 năm 2012 tăng lên 8,7 triệu m3 năm 2015).

Hiện nay, UBND tỉnh đang cấp phép cho 4 công ty khai thác cát với 17 giấy phép trong toàn tỉnh và khối lượng khai thác cho phép khoảng 8 triệu m3/năm. Trong đó, Công ty TNHH MTV Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp là doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc tỉnh quản lý có tài chính tốt, có năng lực và kinh nghiệm quản lý tham gia thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Nhìn chung, hoạt động khai thác của Công ty này theo đúng quy định, từng bước đem lại hiệu quả trong quản lý và khai thác, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh (từ 30 tỷ đồng năm 2012 lên 65,8 tỷ đồng năm 2015). Lượng cát khai thác được ưu tiên phục vụ các công trình trong tỉnh và các công trình trọng điểm Quốc gia.

Hiện nay, cát tại một số mỏ sau khai thác được sơ chế, phân loại cỡ hạt nhằm nâng cao giá trị sử dụng. Tỉnh đã xác định các mỏ cát sông để tổ chức đấu giá quyền khai thác theo quy định của pháp luật, đồng thời xác định một số điểm mỏ cát sông không đấu giá quyền khai thác và chỉ cung cấp cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, các công trình công cộng cấp bách của địa phương. Để có cơ sở trong thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc công bố khu vực đấu giá quyền khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh và quyết định về việc công bố khu vực cấm khai thác, khu vực không đấu giá khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các ngành tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Phát huy mạnh hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở để kịp thời nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong tất cả các khâu, trong đó mỗi ngành, mỗi cấp phải nắm rõ và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Chú trọng công tác quản lý hoạt động khai khoáng, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài; gắn khai thác với chế biến sâu và bảo vệ môi trường, tránh gây ảnh hưởng xấu đến người dân khu vực khai khoáng.

TIẾN ĐẠT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn