Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội
Cập nhật ngày: 26/10/2016 15:54:45
ĐTO - Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một nhiệm vụ rất lớn. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: Tham gia giám sát với cơ quan quyền lực nhà nước, vận động nhân dân giám sát và tự mình giám sát.
Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát thông qua việc tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), các ban của HĐND tỉnh và các ngành liên quan tổ chức giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã thành lập các Đoàn đi giám sát liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách; chấp hành thực hiện pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị; quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn...
Ngoài ra, MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức giám sát thông qua hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn... Qua đó, đã góp ý, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật. MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn có trách nhiệm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia phản biện xã hội. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, sẽ góp phần nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia vào các ban, hội đồng tư vấn của địa phương; đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo luật, tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, vai trò phản biện xã hội trong việc tham gia, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức các đợt giám sát chuyên đề, qua đó phát hiện và kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết một số vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; phối hợp với các cơ quan tham gia nhiều hoạt động giám sát khác; phối hợp với ngành tư pháp tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ; cử cán bộ Hội tham gia các tổ hòa giải, góp phần hòa giải thành công nhiều vụ việc...
Hoạt động giám sát, phản biện của các cấp Hội đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện các chủ trương chính sách ở cơ sở, việc bầu đại biểu dân cử cũng như công tác cán bộ. Các cấp Hội đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát như: giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội cũng có những hạn chế nhất định, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của các cấp Hội còn thấp. Hoạt động giám sát trong thực tế còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao, chủ yếu mới thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến tại các cuộc giám sát ở các cơ quan, đơn vị. Để tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận và các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở nhằm phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận và động lực trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước, thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nội dung của Quy chế giám sát và phản biện xã hội từ tỉnh đến cơ sở Hội nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ trong việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Thứ hai, có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của Trung ương Hội, của tỉnh về kế hoạch triển khai, quy trình thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội để có sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. Thứ ba, cần bố trí, lựa chọn những cán bộ Hội có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với xã hội, có uy tín cao trong cộng đồng; thường xuyên bồi dưỡng cán bộ về kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Thứ tư, hàng năm các cấp Hội cần chủ động lựa chọn những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ và đại đa số các tầng lớp nhân dân để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội. Thứ năm, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác làm căn cứ để thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định.
T.H (Trích lược tham luận của bà Đặng Thị Mỹ Cẩm, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX)