Xử lý thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội

Cập nhật ngày: 20/11/2017 16:53:15

Những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) ở nước ta phát triển khá nhanh, đa dạng, ngày càng mở rộng và thu hút nhiều người dân quan tâm, sử dụng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, những mặt trái của MXH đang có chiều hướng gia tăng, được các thế lực thù địch sử dụng để tuyên truyền, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lôi kéo các phần tử chống phá Nhà nước ta. Trên MXH xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bịa đặt, thiếu kiểm chứng, thông tin xấu, độc hại, gây bất bình và mất lòng tin trong nhân dân...

Những ngày qua, trên diễn đàn Quốc hội (QH), bên hành lang Nhà QH, trong các cuộc trò chuyện của đại biểu QH với các phóng viên báo chí, những mặt trái của MXH được đặc biệt quan tâm. Một vấn đề “nóng”, gây trăn trở liên quan mặt trái của MXH là một số đối tượng thường xuyên đưa lên mạng những thông tin trái thuần phong, đạo đức xã hội, tin giả, tin xuyên tạc, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo gây bất an dư luận, ảnh hưởng uy tín của Đảng và Nhà nước. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp kiểm soát, ngăn chặn nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển đa dạng, và nhanh chóng của công nghệ. Rất nhiều đại biểu QH trăn trở với thực trạng này và mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực, các cơ quan chức năng, giới khoa học, khẩn trương nghiên cứu, có những giải pháp hiệu quả, quyết liệt nhằm kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên MXH hiện nay, góp phần định hướng thông tin cho người dùng mạng.

Để đạt mục tiêu nêu trên, rõ ràng công tác quản lý MXH của các cơ quan chức năng là rất quan trọng. Nhiều quốc gia cũng gặp thực trạng tương tự, và đã áp dụng các quy định của pháp luật để hạn chế và kiểm soát các công ty nước ngoài lấy thông tin cá nhân của người dân, thậm chí ban hành những điều luật nghiêm minh nhằm xử lý các tổ chức, cá nhân đưa thông tin gây ra sự phân biệt đối xử, thù địch. Thái-lan có 83% số người dân dùng in-tơ-nét, đã sử dụng những biện pháp rất cương quyết để xử lý các thông tin xấu, độc hại trên MXH.

Nhiều đại biểu QH lo lắng: trước sự phát triển mạnh mẽ của MXH, của in-tơ-nét với thực trạng thông tin xấu, độc hại chưa được kiểm soát chặt chẽ, để hạn chế những tác động không mong muốn, nhất là trong điều kiện không ít người sử dụng còn thiếu thông tin, khả năng chọn lọc, tiếp nhận thông tin còn hạn chế thì đây là việc không dễ. Có đại biểu nhấn mạnh: Xã hội ta hiện nay không thiếu những điều tốt, nhân văn nhưng rất ít MXH quan tâm, phần nhiều chỉ chú ý vào các thông tin vô bổ, thông tin xấu, độc để câu view, câu like nhằm thu lợi hoặc phục vụ mục đích cá nhân. Điều này khiến cho bức tranh xã hội trở nên lệch lạc, xa lạ với thực tiễn cuộc sống đang diễn ra của đất nước.

Có đại biểu đề nghị, các cơ quan chức năng cần xác định rõ, tuyên truyền rộng rãi về cách phân loại các thông tin độc hại, phản cảm trên MXH, trên mạng in-tơ-nét được dựa theo tiêu chí nào? Trên thế giới, mỗi nước có một bộ tiêu chí khác nhau và chúng ta cần có quy định rõ ràng để bảo đảm sự lành mạnh của các nguồn thông tin cũng như không hạn chế, cấm đoán thông tin phản biện với tinh thần xây dựng, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hiểu biết cho người dân.

Nhiều đại biểu QH cũng bày tỏ quan tâm về an toàn, an ninh thông tin, một vấn đề rất lớn trong bảo vệ an ninh quốc gia hiện nay; đồng thời nêu rõ: Cần xác định rõ những hạn chế, thậm chí yếu kém trong lĩnh vực này để tập trung khắc phục. Chia sẻ những băn khoăn với các đại biểu QH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Để xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng nếu không bảo đảm an toàn và an ninh thông tin thì nguy hại vô cùng. Hiện nay, về ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đứng thứ hơn 80 trên thế giới, tức là ở mức trung bình. Nhưng về an toàn thông tin, chúng ta đứng thứ trên 100, có nghĩa là ở mức trung bình yếu. Đây là thực trạng cần đặc biệt quan tâm với những giải pháp cụ thể, chặt chẽ và quyết liệt. Nếu bảo đảm tốt an ninh mạng, chúng ta sẽ có cơ sở vững chắc để ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả cao các thông tin xấu, độc mà các đại biểu QH và các tầng lớp nhân dân đang lo lắng, trăn trở.

Nội dung nêu trên liên quan chặt chẽ Luật An ninh mạng đang được QH thảo luận, hoàn thiện. Về vấn đề này, có đại biểu QH nêu ý kiến: Trong quá trình xây dựng Luật đã xuất hiện những lĩnh vực trùng lắp với các luật khác và sẽ dẫn đến nguy cơ khó sử dụng, khó triển khai trong thực tế cuộc sống. Xây dựng luật không phải để cho một số bộ, ngành sử dụng hay dành cho một số chuyên gia mà muốn bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ an toàn thông tin thì người dân Việt Nam phải hiểu và sử dụng luật đó. Thậm chí, khi cần và đủ điều kiện, chúng ta cần tuyên truyền, định hướng về an ninh mạng cho nhân dân bằng cách đưa vào nhà trường để giảng dạy cho học sinh. Muốn như vậy, luật về an ninh mạng cần phải có những quy định thuận lợi, dễ hiểu, đơn giản.

KHÁNH AN (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn