Các tòa soạn cần làm gì trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của AI?
Cập nhật ngày: 18/03/2023 18:05:29
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ, các tòa soạn, cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo, biên tập viên đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội trong định hướng sáng tạo nội dung trước sự ảnh hưởng của AI. Đây cũng là vấn đề được những người làm báo có kinh nghiệm và các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông cùng trao đổi tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”, diễn ra ngày 18/3 tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội.
Đây là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay của mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm báo trong cả nước và các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông tại Việt Nam cùng trao đổi về việc ứng dụng công cụ AI với vai trò trợ lý ảo cho những hoạt động tổ chức và sáng tạo nội dung trong tòa soạn.
Điều này cho thấy chủ đề mà hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí.
Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Tận dụng AI để làm báo hiệu quả hơn
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí từng bước áp dụng các công nghệ số hiện đại như AI, IoT, Cloud, Big Data... vào hoạt động của mình. Hầu như các đơn vị báo chí lớn đều đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, sử dụng các hình thức truyền tải tin bài hiện đại như E-magazine, Interactive, Infographic, Story scroll...
Việc ứng dụng AI cũng đang được bước đầu ứng dụng vào báo chí với những hình thức ngày một phổ biến hơn: Podcast, Text to Speech, Text to Video... Phân tích dữ liệu người dùng và gợi ý các nội dung yêu thích của độc giả cũng là một ứng dụng AI mà một số tòa soạn lớn cũng đã bước đầu triển khai áp dụng, cũng như một số báo đã triển khai mô hình Premium - thu phí độc giả trên một nhóm nội dung chất lượng cao.
Sự dịch chuyển từ báo chí truyền thống sang báo chí thích ứng, sáng tạo diễn ra do sự thúc đẩy của công nghệ số, đặc biệt là AI và Chat GPT. Mặc dù các công nghệ này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI cho rằng, các tòa soạn có thể hưởng lợi từ việc áp dụng Chat GPT và các công cụ tương tự vào quy trình sản xuất tin tức hiện đại.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, AI giúp người làm báo có cơ hội dần gạt bỏ bớt các công đoạn mà máy móc có thể làm tốt hơn con người trong tác nghiệp, giảm bớt những việc giống nhau, lặp lại.
Song Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng khẳng định, AI không làm thay việc của các phóng viên, nhà báo mà cần coi AI là công cụ hỗ trợ. Điều quan trọng là cần giữ vững giá trị cốt lõi của báo chí, cùng với đó tận dụng công nghệ, trong đó trước hết phải lựa chọn, gạt bỏ những cái không cần thiết để tìm ra những công cụ tốt nhất phục vụ cho công tác báo chí.
Chung quan điểm, nhà báo Mai Đức Thông - Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang cho rằng, AI và Chat GPT đang nhận được sự quan tâm rộng rãi. Các công nghệ này có nhiều tính năng nổi trội, tuy nhiên, chỉ nên coi đó là công cụ và các nhà báo phải học cách để làm chủ công cụ để tạo ra các tác phẩm báo chí.
Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Mai Đức Thông phát biểu (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang khẳng định, AI không thể thay thế người làm báo trên hiện trường, do công nghệ không có sự nhạy cảm chính trị, không có tính nhân văn, cũng như không có giá trị về trách nhiệm xã hội của 1 nhà báo.
Tuy nhiên, theo nhà báo Mai Đức Thông, người làm báo cần phải tranh thủ AI, không né tránh nó, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nhà báo phải tự trau dồi hơn nữa năng lực nghiệp vụ, nâng cao đạo đức của người làm báo, tranh thủ tối đa cơ hội AI mang lại và tránh những nguy cơ trong ứng dụng AI vào nghiệp vụ của mình.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân cho rằng, có nhiều tòa soạn, cơ quan báo chí mới chỉ nhìn nhận AI là xu hướng và thử nghiệm ở một số lĩnh vực, chưa phân tích, đánh giá AI và các công nghệ đó mang lại hiệu quả lâu dài cho tòa soạn như thế nào.
Nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, trong sáng tạo nội dung, các cơ quan báo chí có thể ứng dụng AI vào phát hiện đề tài, hậu kiểm rà soát lỗi, hay viết tin bài ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, AI cũng có thể giúp ích rất nhiều trong khâu phân phối, phát hành báo, trong đó chủ yếu là phân tích dữ liệu người dùng để đưa về các tòa soạn, qua đó quyết định nội dung đưa đến người đọc.
Cho rằng đây là chủ đề mới nhưng dài hạn vì AI có thể còn phát triển hơn nữa trong nhiều năm tới, nhà báo Ngô Việt Anh nhấn mạnh, các cơ quan quản lý báo chí cần có thêm những khảo sát về ứng dụng AI trong các cơ quan báo chí để có hướng phát triển tiếp theo. Theo nhà báo Ngô Việt Anh, đây là vấn đề quan trọng vì xu hướng này có thể trở thành tất yếu trong tương lai.
Nội dung gốc là điều sống còn cho báo chí
Tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Trần Lệ Thùy - học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI cho biết, AI đang gây xáo động toàn cầu, đặc biệt đối với báo chí, AI có tác động lớn tới tương lai ngành báo chí trước xu hướng trí tuệ nhân tạo phát triển như hiện nay. Vấn đề sống còn và phát triển với báo chí là câu hỏi rất lớn và chưa thể có lời giải.
Thạc sĩ Trần Lệ Thùy - Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Theo bà Trần Lệ Thùy, AI giúp báo chí làm nên cuộc cách mạng trong thời đại công nghệ mới vì giúp tự động hóa, cắt giảm công việc, giúp ích và hỗ trợ cho sáng tạo nội dung báo chí. Về mặt ý tưởng, AI giúp giảm tải khối lượng công việc cho nhà báo, giảm tải các công việc liên quan để đi sâu vào nội dung gốc. AI cũng có thể áp dụng trong chuyên môn hóa sâu báo chí, thí dụ như các bài viết về kinh tế, tài chính và thể thao vì cần nhiều dữ liệu.
Thạc sĩ Trần Lệ Thùy cho rằng, AI giờ đã trở thành 1 phần của báo chí, là công cụ để tạo ra sản phẩm hấp dẫn hơn, với các tuyến bài sâu hơn, khi AI có thể cung cấp bức tranh toàn cảnh từ đó nhà báo đi sâu khai thác, giúp giảm thời gian và cũng nâng tầm nhà báo, bên cạnh giúp tăng lượng độc giả.
Tuy nhiên, bà Trần Lệ Thùy cũng nêu quan điểm quá trình phát triển của AI chưa đến mức có thể thay thế hoàn toàn nhà báo. Người làm báo vẫn cần rất cảnh giác với AI để kiểm chứng thông tin sai lệch, bên cạnh tập trung vào nội dung gốc, vì đây mới là điều sống còn cho báo chí.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Là đơn vị sản xuất truyền hình đầu tiên ở Việt Nam bằng công nghệ AI, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) nhận định, qua quá trình thử nghiệm xây dựng chương trình truyền hình đầu tiên ở Việt Nam dùng trí tuệ nhân tạo, nhóm nghiên cứu ứng dụng Chat GPT của HTV nhận thấy, yếu tố con người vẫn còn thiếu trong chương trình được sản xuất bởi AI.
Từ đó, theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, AI không thể thay thế được con người trong tác phẩm báo chí, do các tác phẩm AI viết không cảm xúc, không sáng tạo. Vấn đề ở đây là cần tận dụng AI, khai thác thông tin từ AI và kiểm chứng thông tin, tìm kiếm đề tài từ sự hỗ trợ của AI, nhằm giúp tiết kiệm thời gian cho báo chí để dành cho sáng tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, sự tồn tại và phát triển của báo chí và truyền thông từ trước đến nay gắn với 2 yếu tố là công nghệ và công chúng. Trong quá trình phát triển, báo chí phụ thuộc nhiều nhất vào công nghệ, nhưng yếu tố công chúng (con người) vẫn là quyết định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương, công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn có yếu tố con người, song yếu tố này dễ thay đổi, vì vậy các nhà báo cần chọn lựa công nghệ sao cho phục vụ công chúng tốt nhất.
“Công chúng rất nhanh nhạy, nhất là với AI, do đó nhà báo không thể đứng ngoài mà cần giúp công chúng tự cân bằng khi tiếp cận thông tin nhưng vẫn tìm đến sự căn cốt nhất của báo chí là tính chính xác của thông tin. Báo chí phải tự bồi đắp và thực sự nhân bản để giữ chân người đọc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.
Cho rằng truyền thông cần định vị được giá trị truyền thống hiện nay để giúp công chúng trưởng thành hơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của báo chí là vun đắp cho xã hội trở nên nhân văn, nhân bản. Giá trị cốt lõi của báo chí là nhân văn, nhân bản thì phải nuôi dưỡng mầm nhân văn đó trong xã hội để báo chí tồn tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương khẳng định.
Theo NDO