Thi đua xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế và xã hội số

Cập nhật ngày: 14/04/2024 05:33:48

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240414053503dt2-8.mp3

 

ĐTO - Các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai phong trào thi đua “Đồng Tháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 - 2025 trên 3 trụ cột (xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số). Qua đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, dữ liệu số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy tiềm năng hướng đến phát triển thịnh vượng, ổn định và bền vững.


Thị trấn đoàn Lấp Vò phối hợp UBND thị trấn Lấp Vò, Ban Quản lý chợ Lấp Vò triển khai mô hình “Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt”

Đặc biệt, tiếp tục triển khai Kế hoạch số 349 ngày 7/11/2023 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu phát triển hạ tầng số nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi số, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, nhất là phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng số, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu. Đồng chí Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết: “Trong quý I/2024, đơn vị tiếp tục khảo sát, đề xuất xử lý, tháo dỡ các Trạm BTS của GTEL Mobile không đảm bảo an toàn; thẩm định vị trí di dời Trạm BTS của doanh nghiệp năm 2024. Thẩm định hồ sơ đề nghị nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các địa phương; hoàn thiện phương án thí điểm Đề án tổng thể thực hiện ngầm hóa mạng cáp ngoại vi viễn thông, cáp điện lực trong đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 2024, kế hoạch phát triển công dân số năm 2024... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Sở TT&TT triển khai thu thập dữ liệu mở từ các sở ngành, địa phương; chuẩn hóa dữ liệu thu được, hoàn tất đưa lên cổng dữ liệu mở của tỉnh. Các sở, ngành tiếp tục cung cấp dữ liệu mở định kỳ năm 2023 để cập nhật lên cổng dữ liệu mở của tỉnh để người dân, doanh nghiệp cùng khai thác, sử dụng. Đến tháng 3/2024, trên Cổng dịch vụ công tỉnh đã cung cấp được 906 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình (chiếm 50,4%), 611 DVCTT một phần (chiếm 34%) trên tổng số 1.797 thủ tục hành chính. Hầu hết các thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình giúp người dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay đã tích hợp tổng cộng 1.644 DVCTT, trong đó có 809 DVCTT toàn trình (chiếm 48,62%); 282 DVCTT một phần (chiếm 16,95%).

Cũng theo Sở TT&TT, đến quý I/2024, tỉnh bước đầu khai thác nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến của người dân (VNForm) do Bộ TT&TT triển khai để khảo sát, thu thập ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình trải nghiệm thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Nền tảng VNForm là kênh độc lập để khảo sát, thu thập ý kiến người dân, doanh nghiệp. Các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh cần tích hợp và khai thác các biểu khảo sát từ VNForm, thường xuyên nắm bắt ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ công. Việc bán hàng và mua sắm hàng hóa trên môi trường điện tử đã trở thành thói quen của đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Postmart.

Một số doanh nghiệp đã từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động sản xuất như: xử lý kho thông minh, hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, lập kế hoạch và quản lý sản xuất. Phần lớn khách hàng ngành điện, nước cài đặt và sử dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng qua ứng dụng Zalo; 46,81% số công tơ điện được đo, đếm thông qua hệ thống ghi điện từ xa. Qua đó, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế số ngành, lĩnh vực chưa có tiêu chí thống kê rõ ràng, cũng chưa có các cuộc điều tra thống kê nên việc xác định tỷ trọng đóng góp kinh tế số ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 83,66% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 90,76%; hơn 1,9 triệu thuê bao điện thoại cố định và di động; gần 1,5 triệu thuê bao internet; 100% khóm, ấp có đường truyền internet cáp quang FTTx; 88/143 trạm truyền thanh (đạt 62%) chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Tại các địa phương trong tỉnh, bên cạnh các Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập thí điểm theo Quyết định của UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 551 khóm, ấp thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng (chiếm 79%) và 40 Tổ công nghệ số cấp xã (chiếm 28%). Các cấp bộ Đoàn đã thành lập Tổ thanh niên chuyển đổi số cộng đồng ở cả 12/12 huyện, thành phố. Trong tháng 3/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 12 lớp tập huấn về chuyên môn và định hướng xây dựng công dân số cho các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

 

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn