Google công bố máy tính lượng tử giải quyết phép tính ‘không thể’ chỉ trong 200 giây
Cập nhật ngày: 28/10/2019 05:15:30
Google tuyên bố họ đã thiết kế được một máy tính lượng tử chỉ cần 200 giây để giải quyết một phép tính mà ngay cả cỗ siêu máy tính nhanh nhất thế giới cũng phải mất 10.000 năm mới tính ra.
Máy tính lượng tử của Google - Ảnh: GOOGLE
Theo đài CNN, ngày 23-10, Google chính thức công bố thành tựu này trong một báo cáo khoa học đăng trên tạp chí Nature, khẳng định bước đột phá cho thấy Google đã đạt tới tốc độ được gọi là "ưu thế lượng tử".
Các kết quả Google công bố ngày 23-10 được cho là tín hiệu báo trước cho một giai đoạn trỗi dậy mạnh mẽ của các loại máy tính lượng tử, những loại máy tính có khả năng lưu trữ và xử lý thông tin nhiều hơn nhiều so với các máy tính cổ điển.
Có một sự khác biệt rất lớn ở đây: Các máy tính thông thường sử dụng dữ liệu tồn tại chỉ ở một trạng thái tại một thời điểm, hoặc 1 hoặc 0. Trong khi đó các máy tính lượng tử sử dụng các bit lượng tử (quantum bit hay qubit), có thể cùng một lúc là bất cứ dạng thức kết hợp nào của 0 và 1.
Điểm khác biệt lớn đó khiến cho tốc độ xử lý các phép tính nhanh hơn rất nhiều.
Theo trang Sciencenews, các nhà nghiên cứu đã giải quyết phép tính mà các máy tính thông thường không thể xử lý bằng một con chip Sycamore chỉ gồm 53 qubit.
Con chip này đã có thể thực hiện một phép tính liên quan tới nhiều con số phát sinh ngẫu nhiên, mà theo Google một cỗ siêu máy tính mạnh nhất thế giới phải mất 10.000 năm mới giải quyết được, chỉ trong 200 giây.
Theo nhà vật lý học lượng tử Mária Kieferová của ĐH Công nghệ Sydney, người ta có thể làm được một việc rất mạnh mẽ chỉ với một con chip nhỏ như vậy.
Google chính thức công bố về thành tựu đạt được ưu thế lượng tử của họ khoảng 1 tháng sau khi thông tin về báo cáo khoa học này của họ bị rò rỉ.
Tuy nhiên với việc Google đã chính thức công bố báo cáo này và giới khoa học có thể đọc toàn văn báo cáo nghiên cứu, cộng đồng khoa học cũng có thể rà soát, thẩm định kỹ hơn về những thành tựu Google vừa công bố đạt được.
ĐẮC LUÂN (TTO)