Sở hữu trí tuệ - Lực đẩy giúp nền kinh tế Đồng Tháp bứt phá

Cập nhật ngày: 10/04/2025 05:06:30

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250410050848dt3-3.mp3

 

ĐTO - Trong bối cảnh thị trường ngày càng chú trọng đến chất lượng, thương hiệu và tính độc quyền, sở hữu trí tuệ (SHTT) đang trở thành yếu tố then chốt giúp sản phẩm của các địa phương khẳng định lợi thế cạnh tranh. Tỉnh Đồng Tháp nhận thức rõ vai trò của SHTT và đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, tạo bệ phóng cho kinh tế bứt phá.


Sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp nâng cao được vị thế trên thị trường

Bảo vệ tài sản trí tuệ - Nền tảng nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Đồng Tháp sở hữu nhiều đặc sản nổi tiếng như: xoài Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, sen Đồng Tháp, hoa kiểng Sa Đéc... Thời gian qua, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và cá nhân trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.

Hàng loạt sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được bảo hộ quyền SHTT, tạo nền tảng vững chắc để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Tiêu biểu có thể kể đến là chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho xoài, nhãn hiệu chứng nhận “Chanh Cao Lãnh”, nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”... Việc sở hữu các chứng nhận này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.

Bảo hộ quyền SHTT không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ thương hiệu mà còn mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm tiềm năng. Điển hình, Đồng Tháp đang triển khai Đề án bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sen Đồng Tháp, một trong những biểu tượng đặc trưng của tỉnh. Nếu được bảo hộ thành công, các sản phẩm từ sen như: trà sen, thực phẩm chế biến từ hạt sen, mỹ phẩm từ tinh chất sen... sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng giá trị kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến tài sản trí tuệ, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng như hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã thực hiện 52 lượt hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm 45 lượt đối với nhãn hiệu hàng hóa, 4 lượt đối với kiểu dáng công nghiệp và 3 lượt đối với sáng chế, giải pháp hữu ích.

Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ các địa phương trong việc đăng ký bảo hộ một số nhãn hiệu chứng nhận quan trọng như: “Nhãn Châu Thành”, “Sầu Riêng DURIAN Châu Thành”, “Xoài Cù Lao Tây”. Tính đến nay, đã có 153 đơn đăng ký tại Cục SHTT được công bố, trong đó 116 đơn đăng ký nhãn hiệu, 6 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Cục SHTT cũng đã cấp 185 văn bằng bảo hộ, bao gồm 178 giấy chứng nhận nhãn hiệu và 7 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

SHTT không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi DN mà còn là yếu tố then chốt giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường. Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung hỗ trợ các DN khởi nghiệp và chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương.


Sở hữu trí tuệ - “bệ đỡ” giúp doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ thể OCOP vươn mình

Thúc đẩy SHTT giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm

Nhằm khuyến khích DN đầu tư vào KH&CN, Đồng Tháp đã triển khai Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh (viết tắt là Nghị quyết số 44). Đây là chính sách đặc thù, mang tính chiến lược, giúp DN hoàn thiện bao bì, nhãn hiệu, nâng cấp máy móc, trang thiết bị sản xuất và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Trong khuôn khổ Nghị quyết số 44, tỉnh hỗ trợ 2 hoạt động chính: phát triển SHTT, bao gồm đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; nâng cao tiêu chuẩn đo lường chất lượng, giúp DN đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt khi tham gia thị trường trong và ngoài nước. Mức hỗ trợ linh hoạt từ 5 triệu - 200 triệu đồng, tùy thuộc vào từng hạng mục. Riêng năm 2024, Đồng Tháp đã hỗ trợ 116 lượt hồ sơ với tổng kinh phí hơn 1,25 tỷ đồng, trong đó 104 hồ sơ liên quan đến phát triển bao bì, nhãn hiệu sản phẩm với kinh phí gần 600 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ của tỉnh đã mở ra cơ hội lớn cho các DN khởi nghiệp, giúp các DN từng bước xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Trung Tính, đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin (xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh), cho biết: “Là một DN trẻ khởi nghiệp với các dòng sản phẩm sinh học cung cấp cho ngành thủy sản và sản phẩm chế biến từ ếch, chúng tôi rất chú trọng đến SHTT vì chúng tôi hiểu rằng đây là nền tảng giúp DN tồn tại lâu dài trên thị trường. Năm 2024, công ty được Sở KH&CN Đồng Tháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của công ty. Điều này giúp chúng tôi bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh khi tiếp cận thị trường”.


Sản phẩm lạp xưởng ếch tươi của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin được đầu tư bao bì bắt mắt, thu hút người tiêu dùng

Tương tự, Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia (TP Cao Lãnh) cũng nhận thấy tầm quan trọng của SHTT trong chiến lược phát triển dài hạn. Chị Huỳnh Thị Nhớ - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia, cho biết: “Trước đây, chúng tôi chưa thực sự quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu, nhưng sau khi tham gia các lớp tập huấn của Sở KH&CN, tôi nhận ra rằng đây là bước đi cần thiết để bảo vệ quyền lợi của DN. Năm 2022, chúng tôi quyết định đăng ký nhãn hiệu cho Nấm Huỳnh Gia. Kể từ đó, sản phẩm của chúng tôi được khách hàng tin tưởng hơn, dễ dàng mở rộng thị trường và tiếp cận các hệ thống phân phối lớn. SHTT không chỉ giúp DN khẳng định nguồn gốc xuất xứ mà còn tạo lợi thế cạnh tranh bền vững”.

Không chỉ hỗ trợ DN tư nhân, tỉnh Đồng Tháp còn đặc biệt chú trọng đến các chủ thể OCOP, giúp các đơn vị đăng ký nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm. Trong năm 2024, Sở KH&CN đã tổ chức khảo sát nhu cầu của các chủ thể OCOP tại các huyện, thành phố, từ đó thu thập 20 đề xuất hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục SHTT.

Tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị cấp văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm OCOP đáp ứng đủ điều kiện, giúp các sản phẩm này có cơ hội mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào các kênh phân phối lớn. Đồng thời, các DN OCOP cũng được hỗ trợ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.


Các sản phẩm nấm của Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia được đầu tư logo nhận diện, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường

Nhận thức được vai trò quan trọng của SHTT trong phát triển kinh tế, Đồng Tháp đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và sáng chế cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Sở KH&CN tích cực tổ chức các khóa đào tạo về SHTT, giúp DN nâng cao nhận thức và chủ động bảo vệ thương hiệu.

Ông Phan Trọng Tường - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Tháp, khẳng định: “Sở KH&CN cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN trong việc phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ về mặt thủ tục mà còn hướng dẫn DN cách khai thác tài sản trí tuệ để tối ưu hóa giá trị sản phẩm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế của tỉnh...”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ (SHTT) đóng vai trò then chốt, tạo động lực thúc đẩy kinh tế Đồng Tháp bứt phá. Những nỗ lực của tỉnh trong việc hỗ trợ đăng ký SHTT, đặc biệt là cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP, đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và bảo vệ quyền lợi của DN và người nông dân.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn