Đồng Tháp ưu tiên phát triển lao động ngành công nghiệp hỗ trợ
Cập nhật ngày: 13/09/2013 04:41:28
Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tập trung vào 3 nhóm ngành hàng: cơ khí, nhựa, điện tử-tin học là một trong các chính sách ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đồng Tháp nhằm phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với xu thế hội nhập.
Cơ khí chế tạo - một trong 4 ngành công nghiệp hỗ trợ được
Sở Công Thương triển khai thực hiện đề án đào tạo lao động
Công nghiệp hỗ trợ được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 183 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực CNHT, thuộc 3 nhóm ngành hàng cơ khí chế tạo, nhựa, điện tử-tin học và khoảng 1.600 lao động làm trong lĩnh vực này. Tỷ trọng 3 ngành công nghiệp của tỉnh chiếm 0,78% năm 2005, 1,02% năm 2010 và 1,07% năm 2011. Mặc dù, số lượng cơ sở sản xuất CNHT của các ngành có tăng qua các năm và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp.
Tuy nhiên phần lớn các cơ sở CNHT của tỉnh có quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị máy móc hiện đại còn khiêm tốn, lao động có tay nghề cao chưa nhiều (trên 50% chưa qua trường lớp). Hầu hết lao động được truyền nghề tại đơn vị sản xuất nên chưa nắm vững các lý thuyết căn bản về nghề nghiệp... Đó chính là những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo quy hoạch, chỉ tiêu phát triển CNHT của tỉnh giai đoạn 2011-2015 là 15,5%, giai đoạn 2016-2020 là 20,4% và trong 10 năm tiếp theo là 17,9%/năm. Chủ yếu tập trung 3 lĩnh vực thế mạnh của tỉnh là cơ khí chế tạo, nhựa và điện tử, tin học. Trong đó, ngành cơ khí chế tạo giữ vai trò chủ lực và là thế mạnh đặc trưng của tỉnh, phục vụ lĩnh vực cơ khí nông nghiệp và cơ khí xay xát. Để đạt được mục tiêu trên, yêu cầu phải thu hút đầu tư ngoại lực, công nghệ và lao động có trình độ cao.
Nhu cầu lao động phục vụ cho CNHT đến năm 2020 cần khoảng trên 4 ngàn người (trong đó gần 2.800 lao động ngành cơ khí; trên 1.100 lao động ngành nhựa và 145 lao động ngành điện tử-tin học). Do đó, trước mắt cần đào tạo một lực lượng lao động có tay nghề nhất định để phục vụ nâng cao trình độ sản xuất của các cơ sở sản xuất CNHT hiện có và chuẩn bị nguồn lao động phục vụ cho các dự án đang kêu gọi đầu tư mới.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Sở Công Thương Đồng Tháp đã xây dựng đề án “Đào tạo lao động cho ngành CNHT tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2017” nhằm mục tiêu đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao phục vụ phát triển ngành CNHT của tỉnh; hỗ trợ cho các doanh nghiệp có được lực lượng lao động đảm bảo tay nghề theo yêu cầu sản xuất chất lượng cao. Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn lực lao động có tay nghề để thuận lợi trong việc thu hút đầu tư về lĩnh vực CNHT.
Theo đề án, trong 3 năm (2014-2017), Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp sẽ đào tạo 800 lao động kỹ thuật phục vụ cho 3 ngành CNHT chủ lực của tỉnh là cơ khí, nhựa-bao bì, điện- điện tử. Cụ thể, năm 2014-2015 đào tạo 250 lao động sơ cấp nghề và dạy nghề, 200 lao động trung cấp nghề; năm 2016-2017 đào tạo 150 sơ cấp nghề, dạy nghề và 200 lao động trung cấp nghề. Đối tượng đào tạo là lao động chưa qua đào tạo nghề, lao động phổ thông có bằng tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên.
Trong đó, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh có đủ năng lực sẽ được tham gia đào tạo theo yêu cầu. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 7,92 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự kiến, chi phí đào tạo cho mỗi lao động sơ cấp là 4 triệu đồng/người/năm, lao động trung cấp nghề là 15.800 ngàn đồng/người/năm. Về chính sách hỗ trợ, học viên trung cấp nghề được hỗ trợ 4,5 triệu đồng/học viên/năm, học viên trung cấp nghề và sơ cấp nghề được vay vốn học nghề, được tư vấn giới thiệu việc làm sau học nghề theo quy định.
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi rất tâm huyết khi thực hiện đề án “Đào tạo lao động cho ngành CNHT tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2017”, mặc dù còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, song chúng tôi rất kỳ vọng vào việc thực hiện dự án này. Nếu thành công, dự án sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho lực lượng lao động tại địa phương. Đồng thời tạo điều kiện chuẩn bị tốt nguồn lực lao động có tay nghề để thuận lợi trong việc thu hút đầu tư về lĩnh vực CNHT, phục vụ cho yêu cầu phát triển của địa phương trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa công nghiệp nông thôn”.
MN