'Thời gian vàng' trong cấp cứu đột quỵ não
Cập nhật ngày: 22/11/2013 04:57:40
Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam cho biết, tai biến mạch máu não ( đột quỵ não) là một trong những trường hợp cấp cứu cần tuân thủ đúng 'thời gian vàng'.
Một trường hợp bị đột quỵ điều trị tại khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy
- Ảnh: H.Minh
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người đột quỵ. Đột quỵ đứng hàng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ nhất về nguyên nhân gây tàn tật ở người. Bệnh nhân bị di chứng liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não... sau đột quỵ là 90% và thường bệnh nhân bị đột quỵ lần sau tình trạng nặng hơn lần trước.
Đột quỵ não gồm hai dạng: nhồi máu não (chiếm 85%) và xuất huyết não (chiếm 15%). Xuất huyết não xảy ra rầm rộ và ồ ạt khi máu từ mạch máu não tràn vào nhu mô não. Nhồi máu não lại diễn biến âm thầm nhưng không ngừng tiến triển gây nên phù não không kém gì xuất huyết não.
Giáo sư Lê Văn Thành phân tích, não là một cơ quan vô cùng quan trọng, mềm mại, bao gồm gần 100 tỉ tế bào thần kinh được chứa trong hộp sọ cứng và không giãn nở.
Bởi vậy khi não xuất huyết, khối máu làm tăng thể tích hoặc não bị phù nề do nhũn não, thể tích não bệnh lý tăng nhưng hộp sọ không tăng.
Từ đó, hiện tượng chèn ép phần não lành và các trung khu thần kinh thực vật quan trọng làm cho chức năng mạch huyết áp, hô hấp dễ bị thương tổn. Sự sống của người bệnh do đó bị đe dọa từng phút từng giờ.
Đột quỵ não có thể nhận biết qua những dấu hiệu đặc trưng về sự thay đổi vận động, ngôn ngữ như đột ngột tê liệt chân, méo miệng, nói đớ hoặc không nói chuyện được. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như đột ngột nhìn mờ, loạng choạng, đau đầu dữ dội…
Đột quỵ não để lại hậu quả nặng nề và nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Giáo sư Lê Văn Thành cho biết, tiêu chuẩn về 'thời gian vàng' cho đột quỵ não là 3 đến 4 giờ sau cơn đột quỵ. Trong khoảng thời gian này sẽ cứu được những tế bào thần kinh ở quanh vùng nhồi máu, xuất huyết, còn gọi là vùng tranh tối tranh sáng. Nhờ đó giảm được tỷ lệ tử vong, mức độ tàn tật.
“Nếu chậm một phút trong cấp cứu đột quỵ não sẽ làm 2 triệu tế bào thần kinh chết đi, như thế tính mạng bệnh nhân sẽ như ngàn cân treo sợi tóc”, Giáo sư Thành cho hay.
Cũng theo ông, việc chậm trễ đưa bệnh nhân đến cấp cứu một phần do sự hiểu biết của người bệnh và thân nhân còn hạn chế khi giữ bệnh nhân ở nhà điều trị bằng các phương pháp không đúng. Tuy nhiên, phần lớn do việc vận chuyển bệnh nhân đến chưa kịp thời do phương tiện di chuyển còn nhiều khó khăn khi lưu thông.
“Tại các thành phố lớn đã có nhiều Đơn vị đột quỵ được xây dựng để bệnh nhân đột quỵ não được cấp cứu nhanh, đúng, hạn chế tử vong, tàn phế và đã phát huy hiệu quả. Do đó, cách tốt nhất là tổ chức các Đơn vị đột quỵ cho các bệnh viện khu vực tỉnh, thành để bệnh nhân không phải đi quá xa dẫn đến chậm trễ khi bị đột quỵ não”, Giáo sư Lê Văn Thành cho biết.
Hà Minh(TNO)