Ẩm thực dưỡng sinh

Cập nhật ngày: 15/11/2012 10:11:07

Từ xưa danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ẩm thực trong việc ngăn ngừa và chữa trị một số bệnh. Thực tế đã chứng minh dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người.

Nhu cầu dinh dưỡng

Các chuyên gia dinh dưỡng và y tế đều khuyên: Ăn nhiều thực phẩm khác nhau vì mỗi loại có chất dinh dưỡng mà loại khác không có. Do đó, cần ăn mỗi thứ một ít để có đủ các chất dinh dưỡng. Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức trung bình. Để tránh thừa cân, chỉ nên ăn vừa đủ số năng lượng mà cơ thể cần cho các sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, tiêu thụ chất béo nói chung 30% tổng số năng lượng mỗi ngày. Ăn thêm thực phẩm có chất xơ; nhiều rau trái. Không ăn quá nhiều đường tinh chế. Đường không gây bệnh tiểu đường, bệnh tim như nhiều người hiểu, nhưng vì có nhiều calories nên dễ dẫn tới béo phì; Giới hạn muối khoảng 2200 mg mỗi ngày.

Một chế độ dinh dưỡng sai là nguy cơ đưa tới một số bệnh. Sai có thể là quá nhiều, quá thiếu hoặc không cân bằng như: nếu ăn quá ít hay kiêng khem dễ thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ không phát triển, trí não, sức đề kháng kém và như vậy cơ thể dễ suy nhược… dẫn tới bệnh tật.

Dinh dưỡng dư thừa là nguy cơ đưa tới các bệnh mạn tính như là: bệnh tim, ung thư, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, xơ gan…


Ăn vừa phải, cân bằng, đa dạng mang lại sức khỏe tốt

Nghệ thuật ẩm sinh

Mục tiêu chính của ăn uống là để có chất bổ dưỡng nuôi cơ thể. Nhưng ăn uống cũng là cả một nghệ thuật và còn đáp ứng một số nhu cầu như: Ăn uống nói lên sự gắn bó, thương yêu của con cái với cha mẹ; tượng trưng cho nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người Việt Nam vẫn quan niệm: thức ăn ngon phải hợp với thời tiết, mùa nào thức đó; rồi phải có chỗ ăn ngon chứ không phải bạ đâu ngồi đó mà ăn; cần bạn bè tâm giao, biết thưởng thức để cùng ăn chứ không phải “ thực bất tri kỳ vị” và có một không khí vui vẻ thân mật thì món ăn ngon thêm lên. Ăn đúng cách đòi hỏi sự hiểu biết về thức ăn và nhu cầu của cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của đời người. Do đó, ta nên đặt thực phẩm đúng vị trí, hiểu sự quan trọng của chúng rồi tạo ra một mẫu mực để ăn đúng đắn.

“Vừa phải, cân bằng, đa dạng” rất cần để thỏa mãn nhu cầu năng lượng và mang lại sức khỏe tốt thay vì ăn để xoa dịu xúc động hoặc vì mục đích khác.

Khi nào thì ăn và ăn làm sao cần có kế hoạch rõ ràng rồi cứ thế mà thực hiện, lâu dần sẽ thành thói quen.Thói quen này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hiện trạng sức khỏe; hiểu biết về dinh dưỡng; tín ngưỡng, tôn giáo, chủng tộc; trình độ giáo dục; nghề nghiệp; tình trạng kinh tế cá nhân; sống ở thành thị hay nông thôn; ảnh hưởng từ bạn bè; hương vị và vẻ hấp dẫn của món ăn; cách thức món ăn được quảng cáo. Đó chính là ẩm thực dưỡng sinh.

Theo SKDS

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn